Năm 2022 là một trong những năm "nóng" nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Trong suốt cả năm, khu vực này liên tục trong tình trạng căng thẳng với các màn phô trương sức mạnh quân sự của các bên liên quan.
Triều Tiên đã gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi Mỹ-Hàn Quốc và liên minh Mỹ-Nhật-Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên năm 2022 diễn ra ngày 5/1. Tính tới trung tuần tháng 12, Triều Tiên đã phóng ít nhất 65 tên lửa đạn đạo.
Đáng chú ý, vào cuối tháng Chín và đầu tháng 10, Triều Tiên thực hiện liên tiếp 6 vụ phóng tên lửa chỉ trong chưa đầy hai tuần.
[Triều Tiên tuyên bố phát triển vệ tinh do thám tại cơ sở phóng tên lửa]
Các vụ phóng của Triều Tiên trong năm nay có điểm nổi bật là mức độ hiện đại của tên lửa, quy mô các vụ phóng và vị trí rơi của tên lửa.
Triều Tiên đã sử dụng tên lửa siêu thanh Hwasong-8, là loại tên lửa có tốc độ cực cao, có thể di chuyển với tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Ngày 2/11, Triều Tiên đã phóng thử ít nhất 23 tên lửa. Đây được xem là số lượng tên lửa lớn nhất mà Triều Tiên phóng trong một ngày.
Trong số các vụ phóng của Triều Tiên, có tên lửa đã rơi xuống phía Nam của Đường ranh giới phía Bắc (NLL) và chỉ cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60km.
Đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên rơi xuống gần vùng biển Hàn Quốc kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia tách năm 1945. Triều Tiên cũng lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản vào ngày 4/10.
Ngoài ra, Triều Tiên còn thực hiện một số vụ pháo kích quy mô lớn vào các vùng đệm trên biển Hoàng Hải và vùng biển phía Đông nước này.
Triều Tiên nhiều lần khẳng định các vụ phóng tên lửa và nã pháo là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành.
Lâu nay, Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là "cuộc diễn tập với kịch bản chiến tranh," là mối đe dọa an ninh đối với Triều Tiên.
Thực tế, năm 2022 cũng chứng kiến số cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng như tập trận 3 bên với Nhật Bản gia tăng mạnh, cả tập trận chống tên lửa, tập trận bắn đạn thật, tập trận hải quân và không quân, mặc dù một số quan chức Mỹ, trong quá khứ và hiện tại, nói rằng các cuộc tập trận như thế có thể góp phần gây ra một “bầu không khí nóng” nơi đây.
Đáng chú ý là cuộc tập trận Mỹ-Hàn Vigilant Storm bắt đầu ngày 31/10 với khoảng 240 máy bay và tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles, Key West tham gia.
Đây là tập trận không quân chung Mỹ-Hàn lớn nhất từ trước đến nay. Hàn Quốc cũng phóng 3 tên lửa không đối đất vào vùng biển ngoài khơi đường giới hạn phía Bắc, với tuyên bố để đáp trả các vụ phóng của Triều Tiên.
Về phần mình, Mỹ đã tái khẳng định cam kết cung cấp khả năng “răn đe mở rộng" cho Hàn Quốc với việc sử dụng toàn bộ năng lực quân sự, bao gồm cả hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố đáp trả các động thái của Triều Tiên bằng cách tăng tần suất triển khai các khí tài chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên.
Mỹ đã tái triển khai tiêm kích thế hệ 5 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Ronald Reagan tới bán đảo Triều Tiên...
Ngoài các động thái quân sự, Mỹ gần đây bắt đầu triển khai các vũ khí tấn công ra tiền tuyến, bao gồm cả việc luân chuyển máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Okinawa (Nhật Bản).
Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Các hoạt động quân sự nêu trên khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề, trong khi các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau làm căng thẳng tình hình khu vực Đông Bắc Á.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề cập đến quyết tâm tiếp tục củng cố năng lực quân sự và năng lực phòng thủ quốc gia trong bối cảnh an ninh có nhiều bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, trực tiếp liên quan tới cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực.
Triều Tiên cũng bày tỏ quan ngại về việc Hàn Quốc và Mỹ kéo dài thời gian tập trận không quân Vigilant Storm.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố theo đuổi các biện pháp mới nhằm thể hiện “năng lực và quyết tâm” của hai nước trong việc "phòng ngừa các mối đe dọa gia tăng từ Bình Nhưỡng" và nhất trí mở rộng các cuộc tập trận chung.
Đối với Nhật Bản, cho đến nay, Tokyo vẫn phản ứng khá thận trọng trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã tham gia một loạt hoạt động quân sự chung ba bên với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung Nhật-Mỹ quy mô lớn.
Nội các Nhật Bản đã thông qua các dự thảo sửa đổi ba văn bản quan trọng về quốc phòng, gồm bản cập nhật Chiến lược An ninh quốc gia (NSS), Chiến lược Quốc phòng và Chương trình Quốc phòng trung hạn.
Đáng chú ý, trong bản cập nhật NSS, Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của đối phương như một biện pháp tự vệ tối thiểu.”
Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản trong thời hậu chiến, vốn trước đó chỉ tập trung vào phòng vệ.
Để tăng cường năng lực quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hằng năm lên tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào tài khóa 2027.
Đặc biệt, Nhật Bản dự định sẽ chi khoảng 5.000 tỷ yen để chế tạo các tên lửa tầm xa có thể phóng từ bên ngoài tầm bắn của đối phương bằng cách tăng tầm bắn cho các tên lửa dẫn đường hiện nay của Lực lượng Phòng vệ (SDF) và mua tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ chế tạo có tầm bắn lên tới khoảng 1.600km.
Tình hình bán đảo Triều Tiên trên thực tế đã "nóng" trở lại từ sau khi các cuộc đối thoại Mỹ-Triều và liên Triều đình trệ gần 3 năm trước.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra chính sách phi hạt nhân hóa từng bước đối với Triều Tiên, với cách tiếp cận là “đối thoại,” nhưng khi Bình Nhưỡng không đưa ra biện pháp phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ không đưa ra cam kết, bao gồm cả biện pháp dỡ bỏ trừng phạt
Trong khi đó, theo giới quan sát, chắc chắn, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân chừng nào còn cảm thấy không an toàn.
Chuyên gia Masashi Murano, thành viên của Viện Nghiên cứu Hudson, nhận định: “Đối với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân và tên lửa không phải là quân bài để thương lượng, mà là bộ công cụ đảm bảo an ninh quốc gia và sự tồn tại của chế độ.”
Giáo sư Michael Schluter, Chủ tịch tổ chức Sáng kiến Xây dựng quan hệ hòa bình (RPI) có trụ sở ở Geneva, nhận định: “Việc Triều Tiên đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân là quá rủi ro (đối với Bình Nhưỡng).”
Về phía Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đề xuất “sáng kiến táo bạo" về việc hỗ trợ Bình Nhưỡng hiện đại hóa hạ tầng và cải thiện kinh tế để đổi lại các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Sáng kiến bao gồm hỗ trợ lương thực quy mô lớn; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện; hiện đại hóa cảng biển và sân bay phục vụ thương mại quốc tế; hỗ trợ kỹ thuật để tăng năng suất nông nghiệp, hiện đại hóa bệnh viện và cơ sở hạ tầng y tế...
Tuy nhiên, việc Hàn Quốc phối hợp với Mỹ thực hiện các biện pháp "răn đe mở rộng" nhằm vào Triều Tiên có vẻ khiến Bình Nhưỡng lo ngại.
Có thể nói tình trạng bế tắc kéo dài do "không bên nào chịu nhượng bộ" đã khiến bán đảo Triều Tiên trải qua một năm đầy căng thẳng và dường như các bên đang bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn mới có thể làm bùng nổ chiến tranh, với các màn thị uy sức mạnh quân sự liên tiếp.
Cơ hội phá vỡ vòng luẩn quẩn trên bán đảo Triều Tiên chưa phải đã chấm hết, song có lẽ trước tiên, các bên phải cùng kiềm chế để thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin./.