Ngày 14/12, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cảnh báo các băng nhóm buôn bán ma túy Mexico đang bắt đầu xây dựng các phòng thí nghiệm để tự sản xuất thuốc fentanyl - một loại thuốc giảm đau tổng hợp có sức tàn phá khủng khiếp, mạnh hơn cả morphin.
Phát biểu tại Đối thoại chiến lược về ngăn chặn các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia giữa Mỹ và Mexico ở Washington, Bộ trưởng Sessions cho biết thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Một lượng lớn đã được vận chuyển đến Mexico và sau đó thâm nhập vào Mỹ qua biên giới dưới nhiều hình thức.
Ông Sessions cũng cho biết đã chứng kiến các phòng nghiên cứu sản xuất đang bắt đầu được xây dựng tại Mexico. Do đó, ông khuyến cáo cần cảnh giác và để mắt đến các phòng thí nghiệm trên, cũng như đảm bảo điều này sẽ không trở thành một vấn đề lớn trong tương lai.
Ngay sau đó, Mexico lại cáo buộc Mỹ cố tình thay đổi đường vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ sang lãnh thổ nước này. Chính phủ Mexico đã gửi thư đến người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein, trong đó khẳng định giới chức Mỹ đã thừa nhận việc thay đổi hướng vận chuyển các loại ma túy từ Nam Mỹ sang lãnh thổ Mexico, thay vì sang Mỹ. Hiện Đại sứ quán Mỹ tại Mexico chưa đưa ra bình luận về việc này.
[Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế do nạn lạm dụng thuốc giảm đau]
Cuộc họp tại Washington được tổ chức nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa hai bên trong việc chống lại các băng nhóm buôn bán ma túy. Mỹ đã cam kết chia sẻ các hồ sơ tội phạm, các nhánh băng nhóm và dữ liệu sinh trắc học những người bị trục xuất về Mexico.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel Angel Osorio Chong nhấn mạnh an ninh của người dân hai nước là điều quan trọng đối với cả Mexico và Mỹ.
Trước đó, Bộ Tư Pháp Mỹ đã tuyên chiến chống lại các bác sỹ, dược sỹ kê đơn và bán bất hợp pháp các loại thuốc giảm đau có chứa ma túy, "thủ phạm" gây ra cái chết của hơn 150 người Mỹ/ngày. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng do nạn lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ma túy không chỉ hoành hành tại Mỹ nhờ các đường dây buôn lậu, mà còn thông qua hệ thống y tế và riêng trong năm ngoái, có khoảng 60.000 người tử vong tại Mỹ do sử dụng ma túy quá liều. Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, Mỹ tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu. Thần tượng nhạc Pop Prince cũng đã tử vong hồi năm ngoái do dùng quá liều fentanyl./.