Các bãi biển tuyệt đẹp của California đang thay đổi từng ngày.
Theo một nghiên cứu mới của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), 70% bãi biển tại bang California (Mỹ) có thể hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ này.
Nghiên cứu mới sử dụng vệ tinh để dự báo vùng duyên hải nổi tiếng của California sẽ như thế nào vào năm 2100. USSG đã dùng dữ liệu vệ tinh được thu thập trong hai thập kỷ qua để đánh giá địa chất của 1.770km đường bờ biển ở California - được biết đến với những bãi cát vàng và những con sóng bạc.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh, kết hợp với các mô hình nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đã cho ra tính toán về hình dạng và vị trí của đường bờ biển ở bang này vào cuối thế kỷ 21.
Mức nước biển dâng sẽ tùy thuộc vào lượng CO2 được thải ra khí quyển hiện nay và trong tương lai - các nhà nghiên cứu cho biết.
Trước đó, một nghiên cứu khác từ năm 2017 của cùng tác giả - tập trung vào tỷ lệ xói mòn bờ biển ở phía Nam bang California - cũng phát hiện ra rằng các bãi biển ở khu vực này có nguy cơ biến mất, ở mức độ 31-67%.
Một số khu vực đặc biệt có nguy cơ xói mòn nghiêm trọng là Mũi Arena, Vịnh Humboldt ở phía Bắc California, Bãi biển Pismo và Vịnh Morro ở trung tâm, Bãi Newport và San Clemente ở phía Nam bang California.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, nếu nước biển dâng 0,9m thì hạt San Diego có thể mất 1/4 khu vực để cắm trại nghỉ dưỡng, một nửa số trạm cứu hộ biển và 15% số phòng nghỉ ven biển.
Việc này đồng nghĩa các nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư sống trong đất liền, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Không có các trạm cứu hộ biển, những nơi cắm trại và các tiện nghi khác, cư dân sống ở xa biển cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn tận hưởng các lợi ích của những bãi biển còn lại.
[New York đang lún dần dưới sức nặng của hơn 1 triệu tòa nhà chọc trời]
Một nghiên cứu của USGS hồi năm 2009 đã phát hiện rằng khoảng 40% bãi biển tại bang California đang bị xói mòn dài hạn. Trong tương lai, hình dạng và kích cỡ bãi biển sẽ không còn rõ ràng - “chỉ như một con sóng khi nhìn từ xa.”
Việc cần làm là đẩy mạnh công tác quản lý, như khôi phục đụn cát, để duy trì hiện trạng của các bãi biển - các tác giả nghiên cứu kết luận.
Ủy ban Duyên hải California đã khuyến khích các thành phố gia cố bờ biển bằng việc xây dựng những bức tường biển hoặc đưa những tảng đá lớn đến đây để bảo vệ bờ biển khỏi những con sóng lớn, dù tường biển có thể khiến cát bị trôi nhanh hơn.
Khôi phục các đụn cát tự nhiên cũng có thể giúp bảo vệ bờ biển.
Ngày 21/4 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh gấp đôi so với thập niên 1993-2002, khi các dữ liệu lần đầu được thu thập và đã chạm mốc cao kỷ lục mới vào năm ngoái.
Trong báo cáo về sự tàn phá của biến đổi khí hậu, WMO cho biết mực nước biển trung bình toàn cầu dâng thêm 4,62mm/năm trong thập niên 2013-2022, tăng gấp đôi so với thập niên 1993-2002, chủ yếu do sông băng tan chảy và nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.
Như vậy, mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng tổng cộng hơn 10cm kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay. Mực nước biển dâng cao đe dọa một số thành phố ven biển và sự tồn tại của các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp.
Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục lên mức kỷ lục, làm gia tăng nhiệt độ trên đất liền và đại dương, khiến các dải băng và sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao và làm axit hóa các đại dương - theo WMO.
Báo cáo thường niên của WMO, được công bố một ngày trước Ngày Trái Đất (22/4), cũng cho thấy băng biển ở Nam Cực đã tan chảy và giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng Sáu và tháng Bảy năm ngoái. Các đại dương cũng chứng kiến nền nhiệt cao nhất từng ghi nhận, với khoảng 58% bề mặt đại dương trải qua một đợt sóng nhiệt.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho rằng thế giới đang có các công cụ phù hợp để chống biến đổi khí hậu, trong đó có các giải pháp năng lượng xanh. Nhiệt độ trên Hành tinh Xanh có thể tăng 2,5-3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì mức tăng 3-5 độ C như dự báo đưa ra năm 2014.
Trở lại với các bãi biển California, Chính quyền cảng San Diego đã tạo 360 quả cầu đá vào tháng 12 năm ngoái, dọc theo khu vực bán đảo nằm giữa đầm lầy muối ở miền Nam California và bán đảo Coronado.
Hàng nghìn con hàu đang bắt đầu phát triển trên các quả cầu đá nhân tạo ở Vịnh San Diego trong khuôn khổ kế hoạch giảm thiểu thiệt hại tại khu vực miền Nam xa xôi ở bang California của Mỹ.
Các nhà khoa học hy vọng rằng chúng sẽ mang lại một "kho báu" khi giúp chống xói mòn bờ biển do mực nước biển dâng cao./.