Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi con ở nhà một mình dịp nghỉ Hè

Trẻ nhỏ đang trong dịp nghỉ Hè, một số gia đình để con ở nhà một mình rất có thể xảy ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: Hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Trẻ em tham gia buổi huấn luyện sử dụng bình chữa cháy bằng mô hình thực tế ảo tại Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mùa hè là giai đoạn cao điểm xảy ra cháy, nổ, đây cũng là thời điểm mà các em học sinh, trẻ nhỏ bắt đầu thời gian nghỉ Hè tại nhà. Sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính các cháu hoặc cho cả người xung quanh.

Tiềm ẩn nguy cơ khi trẻ ở nhà một mình

Hiện nay học sinh ở Thủ đô đang trong dịp nghỉ Hè. Nhiều gia đình buộc phải để trẻ nhỏ tự quản, tự sinh hoạt ở nhà một mình, không có người lớn trông coi.

Chị Nguyễn Bảo Ngọc sinh sống tại phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hàng ngày bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng và trở về nhà vào 18 giờ. Chị cảm thấy lo lắng khi thời gian gần đây Hà Nội xảy ra rất nhiều vụ cháy có thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, con gái chị Ngọc là Hồ Thùy Dương năm nay mới lên lớp 3 đã bước vào dịp nghỉ Hè lại phải ở nhà một mình.

“Mỗi sáng tôi gửi chìa khóa sang hàng xóm vì phải đi làm sớm lúc con gái chưa dậy. Cháu Dương và bạn hàng xóm thường chạy qua lại hai nhà chơi với nhau có bác giúp việc bên đó trông nom nhưng khi các cháu chơi bên nhà tôi thì không có ai ngó ngàng,’ chị Ngọc bày tỏ sự bất an.

Phụ huynh cần trang bị các kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tuy nhiên, chị không có sự lựa chọn nào khác bởi tính chất công việc của mình. Chị cũng không thể mang con gái 8 tuổi của mình đến chỗ làm.

Theo Công an thành phố Hà Nội, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khách quan và chủ quan gây cháy, nổ như việc trẻ nhỏ hiếu động, tò mò sử dụng ngọn lửa trần (diêm, bật lửa,...), hoặc sơ suất trong khi sử dụng thiết bị điện gây cháy, ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại lớn về tài sản.

Cùng với đó, trẻ em ở nhà một mình thường hiếu động, tò mò, thích nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ gặp tai nạn gây thương tích như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, ngã từ trên cao xuống... Nguy hiểm hơn, tai nạn thương tích có thể để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Hơn thế nữa, rất nhiều các vụ cháy làm chết trẻ em và gây thiệt hại lớn về tài sản. Quá trình điều tra, nguyên nhân đều do đa phần là người thân khóa trái cửa để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Phụ huynh cần cảnh giác tránh sự việc đau lòng

Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, Công an thành phố khuyến cáo tới các bậc phụ huynh một số biện pháp giúp trẻ an toàn hơn trong dịp nghỉ Hè.

Theo đó, phụ huynh cần đảm bảo không được khóa cửa nhốt trẻ ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho trẻ. Cần đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn hay các sự cố khác.

Các bậc cha mẹ cần chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi bạn ra khỏi nhà, không cho bé tự đun nấu và tiếp xúc với thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; đồng thời bố mẹ cũng cần gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng một lần, nhà có camera thì thường xuyên theo dõi con qua camera. Cha mẹ cũng cần dặn trẻ tuyệt đối không ra hoặc chơi đùa khu vực ban công, khu vực có độ cao nguy hiểm.

Trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố nguy hiểm, cháy nổ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngoài việc dặn dò con cái, phụ huynh cần chủ động kiểm tra, khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, nghiêm cấm trẻ không được sờ vào các vật đó và tắt các thiết bị điện không cần thiết và trước khi đi ngủ.

Phụ huynh tuyệt đối không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể cho con tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.

Tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (166 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) tổ chức thường xuyên vào thứ Bảy và Chủ Nhật các buổi tuyên truyền và thực hành kỹ năng khi có cháy./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục