Trần Lập: “Tôi hiểu showbiz để bình thản về nó”

Ca sỹ Trần Lập: “Tôi hiểu showbiz để bình thản về nó”

Sau khoảng 20 năm “cháy” hết mình trên các sân khấu ca nhạc, Trần Lập bảo, anh quá hiểu thế nào là… showbiz để bình thản về nó
Trần Lập bảo, anh đã quá hiểu thế nào là showbiz, để bình thản về nó (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau khoảng 20 năm “cháy” hết mình trên các sân khấu ca nhạc, Trần Lập bảo, anh quá hiểu thế nào là… showbiz để bình thản về nó và tự tin sống theo cách của mình.

Trụ lại cuối cùng với Trần Lập và Bức Tường vẫn luôn là rock-niềm đam mê đã “cháy” từ thời trai trẻ cho tới tận bây giờ.

Những năm tháng đẹp nhất!

- Hai thập niên gắn bó cùng nhạc rock với đủ những nốt thăng-trầm, giờ đây, khi nhìn lại, anh hình dung thế nào về con đường ấy?

Trần Lập: Đó thực sự là một con đường khó. Càng đi, tôi càng hiểu rõ rằng, con đường đến thành công luôn có rất nhiều… “gai nhọn.”

Bên cạnh sự đồng cảm, cổ vũ của những người thực sự yêu quý mình luôn có những lời xúc phạm, bôi nhọ, những chuyện thị phi đến từ những người không cùng mình nhìn về một hướng.

Showbiz là vậy mà! Càng nổi tiếng, bạn sẽ càng dễ gặp nhiều thị phi.

Những khó khăn, rào cản ấy không phải trong một chốc một lát là có thể kể thành lời. Đó cũng không phải là những chuyện mà khi đứng trên sân khấu, tôi có thể cầm mic và nói rằng: “Tôi vất vả lắm,…” hay “tôi đang gặp nhiều áp lực lắm”…

Tôi quan niệm, khán giả có quyền được hưởng không khí âm nhạc tốt nhất. Điều đó đặt ra yêu cầu, người nghệ sỹ khi đã đứng trên sân khấu thì phải trình diễn tốt nhất có thể để phục vụ khán giả. Còn những trở lực khác là câu chuyện của hậu trường.

- Nếu để chọn những năm tháng đẹp nhất trong hành trình 20 năm ấy, anh sẽ chọn khoảng thời gian nào?

Trần Lập: Những năm tháng đẹp nhất này không phải là những năm tháng chúng tôi thành công nhất mà là những năm tháng khổ cực nhất-những năm tháng mà chúng tôi phải trải qua nhiều thử thách khác nhau để thành lập ban nhạc và đưa Bức Tường đi vào con đường hoạt động chuyên nghiệp.

Thời gian đầu, các thành viên của ban nhạc đều rất nghèo, đến mức không ai có đủ tiền để mua một nhạc cụ riêng cho chính mình.

Kinh phí hạn hẹp, ban nhạc của chúng tôi đã phải tự đi thu âm, tự tìm cách để cho ra sản phẩm âm nhạc của mình. Chúng tôi đã từng có thời kỳ bò ra sàn nhà để tự dán tem chống hàng giả cho những chiếc đĩa CD của mình.

Khi hoàn thành, chúng tôi nâng niu, ngắm nghía nó. Mặc dù không ai chảy nước mắt nhưng chúng tôi đều hiểu cảm xúc của nhau. Tất cả mệt mỏi như tan biến.

- Khi Bức Tường ra đời, các anh không phải là những người đầu tiên chơi rock ở Việt Nam. Thế nhưng, Bức Tường đã vượt qua các ban nhạc rock lúc đó để tiếp cận và đưa rock đến gần hơn với khán giả Việt. Nhìn lại, anh cho đâu là lý do giúp Bức Tường làm được điều này?

Trần Lập: Thú thực, tôi cho rằng, để đạt được sự thành công, bên cạnh những nỗ lực của bản thân thì cũng cần có thêm chút may mắn.

Vào thời điểm năm 1996, chúng tôi có nhiều may mắn khi được thể hiện mình trên truyền hình (ở những chương trình thu hút rất đông khán giả theo dõi như “SV96” chẳng hạn).

Qua đó, chúng tôi giới thiệu được với khán giả những ca khúc riêng của mình - những ca khúc rock viết bằng tiếng Việt.

Đó là mấu chốt để tạo nên điểm khác biệt của Bức Tường so với các ban nhạc rock khác thời điểm đó và góp phần tạo nên thành công của nhóm chúng tôi.

Bởi lẽ, phần lớn các ban nhạc rock thời kỳ đó chơi cover các ca khúc nước ngoài và các sáng tác của họ cũng viết bằng tiếng Anh. Do đó, cơ hội đến gần hơn với số đông công chúng của họ cũng hạn chế hơn.

- Người ta vẫn thường nói, phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Điều này liệu có đúng với anh?

Trần Lập: Cũng có thể nói là như vậy! Nhưng phía sau tôi không chỉ có một người phụ nữ như bạn nói đâu.

Cuộc sống vốn muôn màu, có những lúc tràn đầy hy vọng nhưng cũng không ít phút tuyệt vọng, bế tắc, có lúc mừng vui  nhưng cũng không hiếm những lần nổi khùng vô cớ…

Bởi thế, không riêng gì nghệ sỹ chúng tôi mà con người nói chung rất cần sự sẻ chia, một điểm tựa tinh thần.

Không ai bắt tôi chơi nhạc. Đó là lựa chọn của chính tôi. Khi được làm điều mình thích, tôi cảm thấy tự do.

Những lúc "cháy" hết mình trên sân khấu (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Thế nhưng, đã khi nào anh nghĩ, sự tự do của cá nhân mình-một người nổi tiếng sẽ là áp lực đối với chính những người thân xung quanh anh?

Trần Lập: Đúng vậy! Đôi khi, sự tự do của mình đã làm “tổn thương” đến chính những người thân của mình; đặc biệt là, khi bạn đạt đến sự thành công nhất định, tên tuổi của bạn được ghi nhận.

Khi đó, lịch làm việc, lịch diễn của bạn sẽ dày đặc và bạn không có thời gian cho gia đình. Đặt địa vị bạn là những người mẹ, người vợ như vậy, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Đó chính là một trong những lý do mà Bức Tường nói lời chia tay khán giả vào năm 2006. Tất nhiên, bên cạnh lý do chủ quan này thì việc Bức Tường ngừng hoạt động vào thời gian đó còn bởi một vài nguyên nhân khách quan khác.

Ví dụ như, thời điểm đó tồn tại nhiều mâu thuẫn trong chính giới chơi rock. Một số rock fan quá khích luôn muốn thể hiện bản thân và bênh vực thần tượng của mình trên các diễn đàn theo cách cực đoan.

Điều khiến cho rock mất đi nhiều khán giả. Người ta nhìn nhận về rock khá phiến diện và hình dung về người chơi rock là những kẻ kỳ dị...

Khoảng năm sau, khi những chuyện đó đã qua đi, những dằn vặt về thời cuộc và môi trường âm nhạc đã giảm, chúng tôi trở lại và chơi nhạc theo kiểu khác.

“Thuyền trưởng cuộc đời”

- Chơi nhạc theo kiểu khác! Vậy, Trần Lập, Bức Tường của ngày ấy và bây giờ khác nhau thế nào?

Trần Lập: Nó không còn là những khát vọng như ngày trước theo kiểu đặt ra những mục tiêu trèo qua đỉnh núi này, vượt qua đỉnh núi nọ nữa mà bây giờ, chúng tôi chơi với đam mê.

Các thành viên của Bức Tường giờ đây đã bước sang tuổi trung niên và có đủ sự trải nghiệm để biết mình đang sống ở đâu và mình đang chơi nhạc cho ai.

Âm nhạc vẫn có sức mạnh kéo chúng tôi đi, giống như thời tuổi trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi không đặt cho mình quá nhiều mục tiêu lớn lao là phải trở thành top châu Á hay những điều tương tự.

Bây giờ, tôi chơi là chơi, chơi hết mình và không phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khác. Khi có đủ điều kiện, chúng tôi làm liveshow, ra album…

- Vậy, hiện giờ, đam mê chiếm bao nhiêu % trong việc chơi nhạc của anh?

Trần Lập: Thật khó để đưa ra một con số ước lượng tỷ lệ chính xác!

Ở lứa tuổi của ban nhạc chúng tôi, chơi nhạc không chỉ còn là niềm đam mê mà nó còn là một công việc. Làm nghệ thuật chuyên nghiệp cũng là một thứ nghề chứ!

Khi đã gọi là công việc, nghề nghiệp thì lúc có việc, chúng ta sẽ phải làm, vậy thôi! Tất nhiên, khi một người biết rõ bản thân mình thích làm gì thì người ta sẽ hăng hái làm công việc ấy hơn và sẽ đạt kết quả tốt hơn (so với chuyện phải làm những việc mình không thích).

Trong những bước đi và sự lựa chọn giữa những ngóc ngách của cuộc sống, có những con đường đưa ta đến thành công và sẽ có cả những vực thẳm mà ta có thể ngã xuống.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta bình tĩnh trước tất cả những sóng gió đó thì chúng ta sẽ tìm được giải pháp để giải quyết vấn đề.

- Đây phải chăng cũng chính là cách thức mà thuyền trưởng Trần Lập lãnh đạo ban nhạc?

Trần Lập: Thực ra, mỗi người đều là thuyền trưởng của chính cuộc đời mình đấy chứ!

Trong cuộc sống, nếu chưa thử thì không ai có thể biết rằng mình có thể là thủ lĩnh hay không; phải làm thực tế rồi thì mới biết được.

Để làm thủ lĩnh, tôi cho rằng, trước hết, mình phải có quan điểm riêng và phải biết bảo vệ quan điểm đó. Không chỉ có vậy, bản thân mình cũng cần phải thực sự muốn làm điều đó.

Từ đây, mình sẽ đề ra các phương án để đạt được mục tiêu và để mọi người thấy được sự quyết tâm của mình, tin tưởng và cùng mình thực hiện cuộc hành trình.

Đó là câu chuyện riêng của Bức Tường. Còn khi nhìn rộng ra, tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống, khi mà mình nỗ lực, dấn thân và dám chơi đến cùng thì tự mình đã tự rèn luyện để có thể mạnh mẽ lên.

- Trân trọng cảm ơn anh!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục