Ca sỹ Đồng Lan: Cô gái du mục còn sót lại giữa nền âm nhạc thời đại

Trang phục của Đồng Lan mang chất digan (dân du mục) không nhầm vào đâu được với váy rộng, màu sắc và mỗi khi nàng xuất hiện chả khác gì cầu vồng.

Ngày xưa, có một bộ phim nổi tiếng ''Đoàn digan bay lên trời,'' xem xong tất cả khán giả đều chắc mẩm “Thế là hết. Dân digan đã đi và sẽ không quay về, sau này chả ai gặp lại họ được nữa." Cho tới khi nhìn thấy Đồng Lan.

Trang phục của Đồng Lan mang chất digan (dân du mục) không nhầm vào đâu được. Váy vừa rộng vừa màu sắc. Áo chỗ thì thắt, chỗ thì phình. Đầu phải có nhiều nơ. Giày phải đính nhiều hạt cườm. Khắp người Đồng Lan thì tua tủa những sợi dây ngũ sắc. Mỗi khi nàng xuất hiện chả khác gì cầu vồng. Tuy nhiên, cầu vồng chỉ có sau khi mưa, còn màu sắc của Đồng Lan có cả lúc nửa đêm.

Ca sỹ Đồng Lan: Cô gái du mục còn sót lại giữa nền âm nhạc thời đại ảnh 1(Ảnh: ST)

Ưu điểm nổi bật của Đồng Lan là nàng không thay đổi. Cả chục năm nay vẫn thế, từ phong cách tới ngoại hình, nhưng đều rất khó xác minh. Không ai bảo nàng béo, cũng chẳng ai nói gầy. Không ai bảo nàng giàu, cũng chưa thấy ai kêu nàng nghèo. Không ai nói nàng cô đơn, cũng chả ai mách nàng có bồ. Cuối cùng, chả ai mạnh mồm tuyên bố nàng là gái ngoan, nhưng cũng chả ai dám nói nàng là gái hư.

[Danh ca Bảo Yến: Thừa mứa chương trình làm giảm giá trị Bolero]

Giới nghệ sỹ có lúc rỉ tai nhau Đồng Lan “đồng bóng." Những kẻ bạo gan kết luận như thế lại chỉ căn cứ vào trang phục, dáng điệu và sự xuất hiện của nàng. Có lúc cả tháng chả ai thấy nàng, sau đó lại bỗng gặp nàng thường xuyên vào lúc nửa đêm. Nhiều bận nàng đi chơi đến “tan xương," nhưng có lúc gọi tới thì nàng lại than bệnh, nằm bẹp ở nhà cả tuần, chả hiểu vì sao.

Nhưng trên tất cả, Đồng Lan là một ca sỹ. Vậy giọng hát của nàng thế nào? Không ai có thể chối cãi, dù ghét hay yêu nàng, dù được nàng ôm hôn hay bị nàng hành hạ, rằng giọng ca của Đồng Lan rất khác lạ.

Không cần mở to con mắt, hễ nghe tiếng hát biết ngay là Đồng Lan. Nàng có dấu ấn, có nét riêng, cá tính nghệ sỹ, vậy chứ cần gì thêm nữa? Nhiều người hát cả đời chả được một giây như thế! Tiếp theo, nghe Đồng Lan hát thì sao? Thì khán giả mất hồn chứ sao!

Khi nghe ai khác hát, ta có thể lim dim, có thể thở nhẹ, có thể vừa nắm tay bồ vừa nâng ly rượu vang, vừa gật gù theo giai điệu, nhưng nghe Đồng Lan hát thì đừng mong như vậy. Ta phải uốn éo thân mình, phải nghiến răng nghiến lợi, phải thở hổn hển, và sau đó bổ nhào xuống ghế hoặc nằm lăn ra sàn.

Tóm lại, khi nghe Đồng Lan hát, ta phải vận động cả trí óc lẫn chân tay. Ta kiệt sức. Điều ấy được lý giải là bởi Đồng Lan có giọng hát cá tính, đầy tâm trạng, đầy cảm xúc, thậm chí cảm xúc tràn ra, nhưng vẫn kén khán giả. Vì nghe nàng hát không phải để giải trí, mà để tự vấn lương tâm, tự kiểm điểm mình.

Ca sỹ Đồng Lan: Cô gái du mục còn sót lại giữa nền âm nhạc thời đại ảnh 2

Bởi vậy, với các ca khúc khắc khoải, ưu tư, tiếc thương, hối hận thì Đồng Lan chễm chệ chiếu trên, không có đối thủ. Những sáng tác kiểu ''Thế giới ơi, em có tội!,'' ''Em không xứng đáng!,'' ''Em thà chết không quên!''… nếu không có Đồng Lan, không khi nào lên tới đỉnh được.

Có một lần, tôi đến dự buổi ra mắt sách của nhạc sỹ Trần Tiến, Đồng Lan hát ''Mẹ tôi,'' khiến toàn thể khán giả muốn vội vã trở về nhà, quỳ xuống xin lỗi mẹ. Sau đó mười phút, một ca sỹ khác lên hát lại bài đó, khán giả thấy dửng dưng, chả cần xin lỗi, chỉ chào là đủ. Điều đó cho thấy giọng ca của Đồng Lan có mãnh lực thôi miên thế nào.

Nói tóm lại, trong nền âm nhạc ngày nay, Đồng Lan đứng một mình, quần áo, tóc tung bay phấp phới, và giọng ca cũng… tung bay phấp phới, còn khán giả thì… thổn thức xa xa!/.

Bài: Lê Hoàng
Ảnh: Quyền Ngô

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục