Cả nước có thêm 11 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Các di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia lần này thuộc bốn loại hình: Nghề Thủ công Truyền thống, Lễ hội Truyền thống, Tập quán Xã hội và Tín ngưỡng, Tri thức Dân gian.
Đông đảo du khách và nhân dân tham gia lễ hội gầu tào tại xã biên giới Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) vào tháng 2/2019. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 11 di sản (thuộc bốn loại hình: nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian) được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

[Nhã nhạc Huế - Đỉnh cao của âm nhạc cung đình Việt Nam]

Những di sản này thuộc địa bàn các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Lai Châu, Nam Định, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, các Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia được công nhận lần này bao gồm:

1/ Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

2/ Lễ hội Gầu tào của người Mông (huyện Phong Thổ, huyện Sìn Hồ, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

3/ Lễ hội Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

4/ Lễ Cấp Sắc (tủ cải) của người Dao Quần chẹt (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên).

5/ Lễ hội đền, chùa Linh Quang (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

6/ Nghề làm Trống của người Dao Đỏ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

7/ Lễ cấp sắc của người Dao Tiền (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).

8/ Nghệ thuật Tạo hoa văn trên Trang phục của người Mông Hoa (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).

9/ Nghi lễ Gội ầu (Lúng ta) của người Thái Trắng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La).

10/ Lễ hội lăng ông Trà Ôn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

11/ Tết Nguyên tiêu của người Hoa (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Phần chuẩn bị nghi lễ cấp sắc của người Dao trong chương trình giáo dục trải nghiệm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao” do Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức tháng 11/2019. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.

Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục