Cả nước có hơn 200.000 xe ôtô quá hạn đăng kiểm hơn một tháng

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/6 vừa qua, cả nước có 205.058 xe ôtô quá hạn kiểm định từ 30 ngày trở lên và tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Cả nước có hơn 200.000 xe ôtô quá hạn đăng kiểm hơn một tháng ảnh 1Đăng kiểm viên kiểm định hệ thống gầm phương tiện. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/6 vừa qua, cả nước có 205.058 xe ôtô quá hạn kiểm định từ 30 ngày trở lên. Những đối tượng này nếu chủ xe vẫn sử dụng tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguyên nhân gây tai nạn giao thông rất cao.

[Gần 140.000 xe quá “đát’ đã được phá dỡ thành sắt phế liệu]

Đến nay, cả nước có 186.883 xe ôtô hết niên hạn sử dụng, trong đó có 138.510 xe chở hàng và 48.373 xe chở người (riêng năm 2017 có 24.264 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó có 21.651 xe chở hàng và 2.613 xe chở người).

Danh sách xe hết niên hạn sử dụng và xe quá hạn kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa lên trang thông tin điện tử của Cục để cơ quan chức năng, người dân có thể tra cứu, thống kê 24/24 giờ hàng ngày. Đồng thời, Cục đã gửi cho Cục Cảnh sát giao thông (C67), gửi báo cáo định kỳ lên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các tỉnh để chỉ đạo, kiểm soát.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những chủ xe, lái xe đưa các xe hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn kiểm định tham gia giao thông.

Đối với lĩnh vực đường thủy, theo đánh giá của lãnh đạo Cục Đăng kiểm, hiện nay số lượng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ (đối tượng được quy định tại khoản 2, điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa) không thực hiện nghĩa vụ đăng kiểm theo quy định của Luật khá lớn.

[Xe “hết đát” nhởn nhơ, cán bộ đăng kiểm bị đánh, chính quyền làm ngơ?]

Cục Đăng kiểm đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Cục Cảnh sát giao thông, Cục đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng hiệu quả không cao.

“Việc sử dụng, lưu hành các phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ không đăng kiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không được quản lý, đăng ký, đăng kiểm,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhìn nhận.

Để làm tốt công tác quản lý số lượng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện nghĩa vụ đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng sở tại tuyên truyền, nhắc nhở, đôn đốc người dân thực hiện kiểm định phương tiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục