Cần 13.000 tỷ đồng bảo trì đường bộ

Cả nước cần 13.000 tỷ đồng để bảo trì đường bộ

Năm 2014, ngành giao thông vận tải sẽ cần khoảng 13.000 tỷ đồng nguồn vốn cho công tác sửa chữa bảo trì hạ tầng đường bộ cả nước.
Cả nước cần 13.000 tỷ đồng để bảo trì đường bộ ảnh 1Thi công khắc phục điểm sạt lở trên một tuyến quốc lộ. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2014, ngành giao thông cần khoảng 13.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, hiện nay, Tổng cục đang quản lý, bảo trì 119 tuyến Quốc lộ với xấp xỉ 19.100 km trong đó có gần 10.000 km đã quá thời hạn sửa chữa lớn và hơn 2.500 km đến hạn phải sửa chữa. Cả nước vẫn còn 400 cầu yếu và gần 3.000 km Quốc lộ xấu và rất xấu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng nhìn nhận, năm vừa qua, lưu lượng xe ngày càng tăng cao, thực trạng xe quá tải “cày nát” nhiều tuyến đường, tình hình bão lũ diễn biễn phức tạp với nhiều cơn bão gây mưa lũ, sụt trượt đường ở một số tuyến Quốc lộ, nhiều công trình xây dựng cơ bản phải đình hoãn và chưa được triển khai tiếp… cũng là khó khăn và thách thức trong công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ.

Đánh giá về công nguồn vốn bảo trì đường bộ năm 2013, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, quỹ bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được 40% (4.100/11.000 tỷ đồng) nhu cầu để sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông.

Hơn nữa, theo ông Thắng, việc Tổng cục chỉ đạo các đơn vị liên quan cơ bản hoàn thành phê duyệt các dự án sửa chữa định kỳ xong trước tháng 6 (thay vì vào cuối năm như những năm qua) đã giúp giảm khối lượng sửa chữa mặt đường từ 20-30% do được gia cố kịp thời.

Ngoài ra, trong năm vừa qua, Tổng cục Đường bộ cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp trong việc bảo vệ hành lang an toàn và kết cấu mặt đường, cầu yếu giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng như:  đào, xây rãnh thoát nước trên hệ thống Quốc lộ; áp dụng công nghệ Tyfo (sử dụng các lớp sợi bọc nhựa để phủ gia cường bề mặt kết cấu bê tông cốt thép) kéo dài tuổi thọ cầu đường thay vì phải đập, phá cầu yếu đi làm cầu mới, “siết” xe quá tải trên nhiều tuyến đường…

Dẫn chứng, năm 2013, có 80 cầu yếu trên hệ thống Quốc lộ được sửa chữa bằng công nghệ Tyfo tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng.

“Tổng cục Đường bộ đã đề nghị và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho rà soát toàn bộ các dự án cầu yếu trên toàn quốc, quyết định phá dỡ để làm cầu mới và thực hiện sửa chữa theo công nghệ Tyfo,” ông Thắng nhấn mạnh.

Đề cập đến vốn sửa chữa định kỳ mặt đường, công trình, ông Thắng khẳng định, năm 2014, tổng nhu cầu vốn bảo trì đường bộ là khoảng 13.000 tỷ đồng.

Nhằm triển khai nhiệm vụ năm tới, Tổng cục Đường bộ cũng xây dựng kế hoạch về công tác quản lý kết cấu hạ tầng, bảo trì đường bộ và an toàn giao thông.

Theo đó, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo tăng cường chất lượng hoạt động của các Cục Quản lý Đường bộ thông qua việc đấu thầu quản lý bảo trì khoảng 20% hệ thống Quốc lộ; thay thế bổ sung biển báo hiệu đường bộ; hoàn thành việc rà soát các điểm đen mất an toàn giao thông, triển khai quyết liệt công tác kiểm soát xe quá tải…

Riêng công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường, cầu, Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo các đơn vị cần phải tính đúng, tính đủ chi phí bảo dưỡng thường xuyên cho từng công việc bảo trì (Quốc lộ, cầu, hầm…) và lựa chọn các tuyến Quốc lộ huyết mạch, có lưu lượng vận tải lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội để triển khai đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên.

“Do nhu cầu sửa chữa mặt đường và công trình trên toàn mạng lưới Quốc lộ là rất lớn, trong khi nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu nên việc bố trí kế hoạch trung hạn sẽ vừa đảm bảo tính cân đối, vừa đảm bảo tính ưu tiên theo các tiêu chí như: xử lý các vị trí điểm đen có nguy cơ gây mất an toàn, sửa chữa vị trí hư hỏng nền mặt đường, bộ phận kết cấu công trình; sửa chữa các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, các tuyến đến kỳ sửa chữa...,” Tổng cục Đường bộ yêu cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục