Chiều 11/7, Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau cho biết mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng cao khoảng 1,7m đã ảnh hưởng trực tiếp nhiều đoạn đê trên tuyến biển Tây tỉnh Cà Mau.
Trong đó, tại những đoạn đê không còn rừng phòng hộ che chắn xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê.
Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau cho biết, tại một số đoạn đê thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nơi không còn rừng phòng hộ che chắn vừa xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm.
Cụ thể, một đoạn có chiều dài khoảng 100m và đoạn còn lại ghi nhận khoảng 20m.
[Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra những thiệt hại do thiên tai gây ra]
“Triều cường có cao độ khoảng 1,7m, gần bằng mặt đê nên xảy ra tình trạng sóng đánh tràn qua mặt đê. Tuy nhiên, lượng nước biển tràn vào nội đồng không nhiều nên không làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân trong đê. Hiện tình trạng giao thông trên tuyến đê biển Tây tạm thời bị chia cắt do sóng lớn kéo theo cây cối, rác phủ kín mặt đê,” ông Bùi Văn Đông thông tin.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân xã Khánh Bình Tây đã phát đi cảnh báo người dân hạn chế lưu thông qua đoạn đường này để đảm bảo an toàn. Các lực lượng chức năng liên quan sẽ dọn dẹp, trả lại hiện trường mặt đường ngay khi tình hình thời tiết đảm bảo.
Tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 108km, trong đó gần 52km đê được kiên cố hóa. Hiện các tuyến kè bảo vệ bờ biển cơ bản ổn định nhưng thường xuyên bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn kết hợp triều cường nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2022, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc xoáy, sấm sét và gió giật mạnh, mưa lớn gây ngập cục bộ ở vùng trũng, thấp.
Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra với tuần suất nhiều hơn vào những tháng cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Nam Bộ, triều cường kết hợp mưa lớn, mực nước có khả năng lên cao gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp…/.