Cà Mau xác định 3 cửa biển đột phá đầu tư phát triển kinh tế

Để phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp sau, Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng một số cửa biển quan trọng tại địa phương.
Một đoạn đê ở cửa biển Khánh Hội. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết để phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp sau, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng một số cửa biển quan trọng tại địa phương.

Theo đó có 3 cửa biển được ưu tiên đầu tư là cửa biển Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời; cửa biển Khánh Hội thuộc huyện U Minh và cửa biển Bồ Đề thuộc huyện Năm Căn.

Với cửa biển Sông Đốc, tỉnh đang khẩn trương đầu tư xây dựng để trở thành thị xã Sông Đốc vào cuối năm 2015 nên quá trình đầu tư khá thuận lợi.

Với dân số gần 90.000 người, có gần 2.000 phương tiện khai thác thủy sản, tương lai cửa biển Sông Đốc sẽ là trung tâm kinh tế thủy sản, đồng thời cũng là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh Cà Mau.

Từ năm 2010 đến nay Sông Đốc đã được đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, trên 3/4 tiêu chí thị xã đã đạt, cho thấy cửa biển Sông Đốc được xác định ưu tiên đầu tư số một của tỉnh Cà Mau.

Cửa biển Khánh Hội là cửa biển lớn thứ hai sau Sông Đốc, có gần 1.000 tàu khai thác thủy sản, dân số trên 35.000 người.

Khánh Hội là địa phương nghèo, để vực dậy tiềm năng của Khánh Hội, tỉnh Cà Mau quy hoạch xây dựng Khánh Hội thành làng biển, trong đó phát triển nghề đánh bắt thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khánh Hội hiện được đầu từ trên 30 tỷ đồng để nạo vét cửa biển, khơi thông luồng cho tàu cá ra vào, xây dựng cơ sở hạ tầng và khu dân cư. Năm 2020 Khánh Hội đặt mục tiêu sẽ là thị trấn biển.

Cửa biển Bồ Đề tuy lợi thế kinh tế thủy sản không bằng Sông Đốc và Khánh Hội nhưng đây lại là cửa biển rộng, có mực nước sâu nhất so với các cửa biển của Cà Mau.

Nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở đầu tư, hiện Cà Mau đang tiến hành khảo sát thăm dò với ý tưởng xây dựng nơi đây là cửa biển có chức năng đón tàu cỡ lớn.

Ông Mai Hữu Chinh cho biết thêm, tỉnh Cà Mau có gần 100 cửa biển, cửa sông ăn thông ra biển, nơi nào cũng có vị trí và lợi thế.

Nhưng với khả năng tài chính có hạn, trước mắt tỉnh chọn những nơi quan trọng đầu tư làm điểm đột phá, sau đó từng bước để đầu tư thêm, mục đích là khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của các cửa biển để phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục