Trong 2 ngày vừa qua, mưa bão, dông lốc đã gây thiệt hại tại một số địa phương, trong đó Cà Mau bị hư hại 116 căn nhà, còn Vĩnh Long cũng bị hư hỏng nhà cửa, cây trồng.
Cà Mau: Thiệt hại 116 căn nhà do ảnh hưởng của bão số 1
Chiều 18/7, tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của bão số 1, thống kê đến chiều 18/7, dông, lốc trên địa bàn đã khiến 116 căn nhà bị sập, tốc mái; tập trung chủ yếu ở các huyện như Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh.
Bên cạnh đó, sóng lớn đã làm một đoàn kè bản nhựa bị sụp, lún phần mặt bêtông với chiều dài khoảng 50m, ước tổng thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Sóng to, gió lớn trên biển đã làm chìm hai tàu cá với 11 thuyền viên. Rất may, tất cả thuyền viên đều được cứu vớt an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, Trần Văn Thời và U Minh là hai địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất.
Trong đó, huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại khoảng trên 60 căn nhà. Tại huyện U Minh, bên cạnh 30 căn nhà bị thiệt hại do dông, lốc, tình trạng nước dâng tại hai xã Khánh Hội và Khánh Tiến đã gây ngập cục bộ cho nhiều nhà cửa của người dân, đặc biệt ở những khu vực ven biển.
[Áp thấp nhiệt đới suy yếu thành áp thấp ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn]
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện U Minh đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ khẩn trương giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, nhanh chóng ổn định nơi ăn ở.
Huyện đã thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình có nhà bị sập hoàn toàn và 500 ngàn đến 2 triệu đồng cho hộ có nhà tốc mái để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đồn Biên phòng Khánh Hội, huyện U Minh đã triển khai ba tổ công tác với hàng chục cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương giúp dân khắc phục hậu quả, di chuyển đồ đạc, hạn chế tối đa thiệt hại do triều cường gây ra.
Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có công văn chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau thực hiện công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước và trong mùa mưa bão.
Các đơn vị, địa phương duy trì nghiêm chế độ ứng trực; chủ động kiểm tra, rà soát các vị trí trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sát thực tế, quyết liệt sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp ngăn ngừa, triệt tiêu nguy cơ các loại hình sự cố có thể xảy ra ở cơ quan, địa phương và đơn vị mình.
Các đơn vị quân đội chủ động kiểm tra, rà soát chặt chẽ các phương án, luyện tập, sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp hiệp đồng với các đơn vị, địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục kịp thời hiệu quả các tình huống xảy ra.
Vĩnh Long: Khẩn trương khắc phục hậu quả dông, lốc xoáy
Chiều 18/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, mưa kèm dông, lốc trên diện rộng diễn ra trong hơn hai ngày qua đã gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đời sống nhiều hộ dân trên địa bàn.
Dông, lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn hai căn nhà, tốc mái 18 căn nhà, ngã 19 cây sầu riêng. Ước tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
Tại huyện Mang Thít, mưa, dông đã làm 9 căn nhà của người dân ở hai xã Bình Phước và Nhơn Phú bị tốc mái; 19 cây sầu riêng gần 5 năm tuổi bị gãy và nhiều cây trồng bị ngã và hư hại…
Ngay sau khi dông, lốc xảy ra, lãnh đạo huyện Mang Thít cùng các địa phương bị ảnh hưởng do dông, lốc đã đến thăm và động viên các hộ gia đình khắc phục hậu quả thiên tai.
Lãnh đạo địa phương chỉ đạo các lực lượng khẩn trương hỗ trợ người dân thu gom vật dụng bị hư hại, di dời đồ đạc đến nơi an toàn, đồng thời sửa chữa và dựng lại nhà cho người dân.
Bí thư Huyện ủy huyện Mang Thít Nguyễn Huỳnh Thu cho biết, trước tình hình mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại cho người dân, chính quyền các xã đã có sự chủ động, vận dụng hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, kịp thời đưa lực lượng đến hỗ trợ.
Các đoàn thể chung tay vận động nguồn lực đến sẻ chia với những khó khăn tạm thời của các hộ bị ảnh hưởng thiên tai, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn khó khăn.
Qua thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện tăng so với cùng kỳ, qua đó đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trước tình hình mưa, dông còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động nắm tình hình, ứng phó và hỗ trợ kịp thời cho người dân khi xảy ra mưa, dông, sạt lở.
Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức chằng, chống nhà cửa trong mùa mưa, kịp thời thông báo để có phương án hỗ trợ, khắc phục kịp thời.
Tại huyện Long Hồ, dông lốc gây thiệt hại về nhà chủ yếu tại xã Đồng Phú, trong đó, có một nhà bị sập hoàn toàn, 4 nhà bị tốc mái. Mưa lớn trong các ngày qua đã làm sạt lở một số tuyến đường tại hai xã Phú Đức và Long Phước, gây ảnh hưởng đời sống, đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Phú, huyện Long Hồ cho biết, địa phương đã thành lập tổ khảo sát tình hình, cử lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Đến nay, địa phương đã cơ bản sửa chữa xong các căn nhà bị hư hỏng. Một căn nhà bị sập hoàn toàn thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng xây dựng lại.
Lực lượng chức năng đã di dời người dân đến nơi ở tạm thời. Địa phương đang huy động các nguồn lực để giúp hộ dân có nhà sập xây dựng nhà mới./.