Cà Mau tìm tòi để đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch

Cà Mau xây dựng thương hiệu du lịch gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc; tổ chức các hoạt động du lịch mang đậm nét văn hóa địa phương thông qua các loại hình du lịch phù hợp.
Du khách tham gia tour xuyên rừng Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhằm từng bước kích cầu, khôi phục du lịch trong tình hình mới, ngành du lịch Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thích ứng với các cấp độ dịch.

Đồng thời, Cà Mau mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để thu hút, giữ chân du khách.

Năm 2023, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu thu hút 1,75 triệu lượt khách du lịch, tăng 250.000 lượt; tổng doanh thu đạt 2.670 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với năm 2022.

Tỉnh triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Cụ thể, căn cứ vào đặc điểm và tình hình, ngành du lịch Cà Mau tiến hành quản lý và khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc; thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch; thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương... nhằm tạo ra nhiều dịch vụ.

[11 tháng năm 2022, Cà Mau thu hút gần 1,5 triệu lượt khách du lịch]

Song song đó, sản phẩm du lịch của tỉnh dựa vào du lịch sinh thái và thương hiệu du lịch sinh thái.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, cùng với các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái: đầm Thị Tường, hòn Ðá Bạc... phát triển thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm, có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, tạo nên thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh.

Ðối với du lịch cộng đồng, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hoá lưu niệm, các món ăn ẩm thực, đặc sản địa phương để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chú trọng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với sản phẩm và thị trường; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh; ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác quảng bá theo hướng nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của xúc tiến du lịch.

Cà Mau xây dựng thương hiệu du lịch gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc; tổ chức các hoạt động du lịch mang đậm nét văn hóa địa phương thông qua các loại hình du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái-trải nghiệm, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp... thu hút sự quan tâm của du khách.

Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các tour du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Cà Mau với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tạo điều kiện thuận lợi kết nối các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch giữa các địa phương.

Tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy nội địa để đáp ứng nhu cầu dân sinh của địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/1, Cà Mau đã đón hơn 79.800 lượt khách, trong đó có 726 khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt gần 139,5 tỷ đồng.

Riêng trong dịp Tết Quý Mão, tỉnh đã đón hơn 164.490 lượt khách; tổng doanh thu đạt 120,56 tỷ đồng, tăng hơn 145% so cùng kỳ năm 2022.

Tỉnh ủy Cà Mau xác định rõ phát triển du lịch một cách toàn diện, là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương.

Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025 theo hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh; phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng.

Đồng thời, tỉnh quan tâm đầu tư các tour, tuyến du lịch kết nối giữa Mũi Cà Mau-Sông Đốc-Hòn Đá Bạc, Phú Quốc (Kiên Giang); phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan-Campuchia-Rạch Giá-Cà Mau).

Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó làm cơ sở cho triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, quy hoạch phân khu, chi tiết các khu chức năng trong Khu du lịch Quốc gia, đảm bảo đến năm 2030 đủ điều kiện công nhận Khu du lịch Quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục