Cà Mau tích cực ngăn chặn các hành vi đánh bắt hải sản trái phép

Cà Mau là tỉnh đi tiên phong trong thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu.
Cà Mau có đội tàu khai thác thủy hải sản lớn, với sản lượng bình quân trên 200.000 tấn/năm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Bên cạnh tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá nhằm tiến tới ngăn chặn đánh bắt trái phép, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với kỳ vọng ngăn chặn khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp nhằm góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp còn một số khó khăn cần khắc phục.

Kiểm soát chặt khai thác trái phép

Cà Mau là tỉnh đi tiên phong trong thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu.

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 3.000 tàu trong diện phải đăng kiểm và hơn 1.600 tàu trong diện phải tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (dài từ 15m trở lên). Đến nay, đã có hơn 1.300 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng mất kết nối các thiết bị giám sát hành trình cũng thường xuyên xảy ra, gây khó khăn trong khâu quản lý của ngành chức năng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thường xuyên có từ 10-15%/tổng số đã lắp đặt, gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, phân tích Cà Mau hiện có 5 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá; trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính: chưa đóng phí vệ tinh, lỗi do kỹ thuật và phổ biến hơn cả là lỗi chưa xác định được nguyên nhân.

“Việc chưa xác định được nguyên nhân mất kết nối đã gây khó khăn cho điều tra, xác minh, vì không thể xác định lỗi mất kết nối do nhà mạng hay ngư dân cố tình che chắn thiết bị, để ra khơi đánh bắt nhằm thu lợi bất chính," ông Trần Quốc Chính chia sẻ.

Chia sẻ về việc khó khăn trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Cà Mau đã có ý kiến đề nghị về việc nhà mạng cung cấp thiết bị giám sát hành trình xem xét giá bán, giá dịch vụ hằng tháng, đồng thời có biện pháp xử lý đối với những thiết bị mất kết nối do lỗi kỹ thuật.

Nói về vấn đề này, ông Lâm Văn Phú cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho rằng giá thiết bị giám sát hành trình hiện vẫn còn ở mức khá cao, từ 20-45 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chủ tàu còn phải đóng phí 350.000-390.000 đồng/tháng, tùy theo nhà mạng. Nhiều quy định về việc lắp đặt vẫn còn bất cập trong thực tế.

Đó là chưa kể đến việc khi thiết bị giám sát hư hỏng, báo nhà mạng thì khắc phục chậm, phí gọi điện báo vẫn còn ở mức quá cao, đến 33.000 đồng/phút.

Một vấn đề nữa là dù được ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm khi khai thác ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra.

Chia sẻ các giải pháp nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng trên, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng phương pháp tuyên truyền, nội dung tuyên tuyền phải thật ngắn gọn, dễ hiểu và đặc biệt là phải đổi mới, lồng ghép tổ chức tuyên truyền theo hình thức mở lớp tập huấn, đối thoại trực tiếp với các thành phần có liên quan…

“Quan trọng hơn hết là từng cơ quan, đơn vị phải thật sự vào cuộc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao," ông Bằng nhấn mạnh.

Hướng đến hoạt động khai thác bền vững

Với vai trò là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm khai thác thủy sản của cả nước, vùng biển Cà Mau có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao.

Song song với đó, với một địa phương có 3 mặt giáp biển như tỉnh Cà Mau, nghề khai thác hải sản luôn được quan tâm. Trong những năm qua, sản lượng khai thác hằng năm đều đạt trên 200.000 tấn.

[Khắc phục “thẻ vàng”: Cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp]

Với quyết tâm cùng cả nước chung tay gỡ thẻ vàng IUU, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã vào cuộc quyết liệt với cả hệ thống chính trị trong việc khắc phục nhanh những hạn chế, vi phạm trong hoạt động khai thác, từng bước đưa nghề khai thác phát triển bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm.

Kể từ cuối năm 2017 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành khoảng 50 văn bản liên quan trên lĩnh vực khai thác thủy sản. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà trong thời gian ngắn có số lượng văn bản được ban hành, chỉ đạo nhiều nhất nhằm tổ chức sắp xếp lại nghề khai thác theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.

“Hiện nay, vẫn còn một số lỗ hổng trong biện pháp quản lý nên chưa kiểm soát được tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là vấn đề bức xúc nhất, dẫn đến chưa gỡ được thẻ vàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông cần tham mưu, đề xuất thêm một số giải pháp về kỹ thuật trong quản lý, xem lỗi mất kết nối thuộc nhóm nào và trách nhiệm thuộc về ai để có hướng khắc phục ngay," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định.

Công tác quản lý, giám sát tàu cá được tỉnh Cà Mau chú trọng củng cố, kiện toàn. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng chỉ đạo các địa phương cần tổng điều tra phương tiện trên địa bàn, có kết quả báo cáo nhanh về các phương tiện khai thác ven bờ.

Trên cơ sở số liệu báo cáo, phương tiện nào đã được cấp phép đến nay hết hạn thì chủ phương tiện hải đăng ký lại; còn phương tiện thuộc ngành nghề không được phép hoạt động mà đang khai thác thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh và không cho phát sinh phương tiện mới, hướng đến chuyển đổi ngành nghề.

Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Cà Mau thực hiện là tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu ra, vào cảng, đồng thời giám sát sản lượng qua cảng; kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục