Cà Mau tập trung phát triển mô hình nuôi tôm-rừng bền vững

Cà Mau sẽ ban hành quy định nuôi tôm-rừng theo tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường chuẩn quốc tế nhằm phát triển ngành kinh tế mũi nhọn thủy sản song song với bảo vệ rừng ngập mặn.
Cà Mau tập trung phát triển mô hình nuôi tôm-rừng bền vững ảnh 1Rừng ngập mặn Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Lâm/TTXVN)

Cà Mau có hơn 56.000ha rừng ngập mặn; trong đó, có gần 3.000 hộ nuôi tôm trong môi trường rừng, với diện tích 15.000ha. Năm 2014, có 740 hộ được chứng nhận nuôi tôm sinh thái và thành lập được 35 tổ liên kết nuôi tôm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, Châu Công Bằng, việc phát triển mô hình nuôi tôm-rừng tỉnh đã tận dụng lợi thế để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn thủy sản bằng nhiều hình thức nuôi như thâm canh, quảng canh, quảng canh kết hợp..., tuy nhiên, hình thức nuôi tôm-rừng dù được quan tâm đầu tư vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn chưa chú trọng nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng, năng suất tôm còn thấp, vì thế, đời sống người nuôi tôm dưới tán rừng còn bấp bênh. Vùng nuôi tôm chứng nhận còn nhiều bất cập do mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp có cách làm khác nhau.

Việc nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế sẽ giúp bảo vệ được rừng ngập mặn và môi trường rừng, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng thu nhập cho người nuôi tôm; đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ðể mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn được bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quy định về nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế tại Cà Mau. Theo đó, sẽ quy định về việc bảo vệ rừng ngập mặn gắn với nuôi tôm theo các tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường để được cấp chứng nhận quốc tế; các trình tự, thủ tục, điều kiện để thực hiện việc nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế và nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của các bên có liên quan.

Mục đích của việc quy định nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế là tạo cơ sở pháp lý, thủ tục, hợp đồng giữa các doanh nghiệp thủy sản với các tổ chức chủ rừng và hộ dân trong nuôi tôm-rừng nhằm mục đích đạt hiệu quả về bảo vệ rừng ngập mặn và môi trường rừng.

Bên cạnh đó gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản và thu nhập của hộ dân tương xứng với giá sản phẩm tôm có chứng nhận quốc tế; theo hướng bền vững, lâu dài, có cơ chế chia sẻ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi giữa doanh nghiệp thủy sản với các hộ dân và tổ chức chủ rừng một cách công bằng, công khai, minh bạch.

"Tuy nhiên, mấu chốt của quy định vẫn chú trọng vào cơ chế mua bán giữa doanh nghiệp và người dân. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia dự án cần 'nhìn chung một hướng' trong triển khai thực hiện nuôi tôm sinh thái," ông Bằng nhấn mạnh.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai dự án nuôi tôm có chứng nhận như dự án MAM (Dự án khôi phục rừng ngập mặn đã mất thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm thiểu phát thải tại Cà Mau) cho hiệu quả tích cực và sẽ tiếp tục đưa ra phương hướng triển khai dự án trong thời gian tới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục