Ngày 20/10, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng đã triển khai tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Từ đầu năm 2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” dự kiến sẽ triển khai trên cả 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Đồng thời, chương trình còn nhằm mục tiêu sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Cà Mau là địa phương thứ 18 mà chương trình triển khai thực hiện. Qua các tỉnh, thành phố mà chương trình đã triển khai trước đó với các hoạt động như trực tiếp thăm hỏi, tặng hơn 3.000 phần quà cho ngư dân với trị giá gần 15 tỷ đồng; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn ngư dân; tổ chức các tọa đàm pháp lý liên quan đến công tác tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt; tổ chức Chương trình Đáp lời cùng ngư dân để kết nối mong mỏi của bà con ngư dân với chính quyền sở tại.
Chương trình cũng đã trao tặng hơn 500 suất học bổng (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và rất nhiều phần quà giá trị khác như dụng cụ học tập, sữa, thực phẩm cho con em ngư dân vượt khó học giỏi.
Tại Cà Mau, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Khám chữa bệnh cho 500 ngư dân thuộc 3 xã của huyện U Minh; đến thăm, động viên, tặng quà cho 3 gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh.
Ngoài ra, Ban Tổ chức chương trình còn trao quà cho 100 gia đình ngư dân; tặng 25 suất học bổng cho các em học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi; trao 200 bình lọc nước sạch cho người dân ở các xã: Khánh Hội, Khánh Tiến, Khánh Hòa (huyện U Minh).
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được kỳ vọng sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, nhận thức tuân thủ pháp luật cho bà con ngư dân khi đánh bắt, khai thác trên biển nhằm thực hiện Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam ngày càng bền vững hơn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Cà Mau là một trong những địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn, với hơn 4.300 tàu cá, trong đó có hơn 1.550 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, khai thác xa bờ, đóng góp vào sản lượng khai thác thủy hải, sản trên 230.000 tấn/năm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết thời gian qua, cùng với cả nước, Cà Mau đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác chống khai thác IUU; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá từ 15m trở lên; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, không có hồ sơ sai sót phải xác minh, giải trình; tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc tàu cá vi phạm sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; nguồn lợi thủy sản trên biển giảm, chi phí ra khơi, khai thác thủy sản ngày càng tăng, gây khó khăn cho bà con ngư dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại tỉnh Cà Mau là rất cần thiết, kịp thời động viên ngư dân vươn khơi bám biển và quyết tâm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU mà cả nước đang tập trung tháo gỡ./.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tăng quản lý tàu chưa đủ điều kiện ra khơi, phòng chống IUU
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các địa phương có tàu cá “3 không” phải gấp rút hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký cho số tàu này trong tuần tới.