Cà Mau: Phát triển đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau thông tin khai thác lợi thế vùng đất ngập mặn với diễn thế tự nhiên của rừng nguyên sinh và bãi bồi ven biển là điểm nhấn quan trọng của du lịch Cà Mau.
Cà Mau: Phát triển đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái ảnh 1Hòn Đá Bạc là một thắng cảnh đẹp ở xã Bình Khánh Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm. (Ảnh: TTXVN)

Xác định du lịch là lĩnh vực trọng tâm, quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, quyết sách, quy hoạch để thúc đẩy phát triển "ngành công nghiệp không khói."

Bất chấp những khó khăn khách quan từ dịch COVID-19, du lịch Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cà Mau ngày càng tăng.

Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn, nhất là du lịch cộng đồng đang phát triển tốt.

Điểm đến hấp dẫn 

Trong bối cảnh chung ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Cà Mau đã chịu nhiều ảnh hưởng, các hoạt động du lịch gần như "đóng băng."

Để chủ động từng bước khôi phục du lịch trong tình hình mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành chương trình "Cà Mau-Điểm đến năm 2022." 

Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác, đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Các sự kiện chính của chương trình gồm chuỗi sự kiện họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022, Lễ Nghinh ông Sông Ðốc, Lễ hội tri ân Quốc tổ, Ngày hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần 2, Sự kiện Hương rừng U Minh, Ngày hội Cua Năm Căn, Lễ Thượng cờ-Thống nhất non sông, Ngày hội ẩm thực Ðất Mũi, Giải Ðất Mũi Marathon-Cà Mau năm 2022.

Bên cạnh đó là hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; chương trình ưu đãi, khuyến mãi giảm giá, hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, quà tặng lưu niệm; tổ chức không gian văn hóa nghệ thuật...

Năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng du lịch U Minh "vụt sáng" trong bức tranh du lịch Cà Mau. Sự kiện "Hương rừng U Minh" đánh dấu bước đột phá ngoạn mục của du lịch xứ rừng tràm.

Chia sẻ về thành công của sự kiện, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết, du lịch từ lâu được xác định là một trong những tiềm năng lớn của U Minh.

Tuy nhiên, phải đến năm 2021, với sự kiện "Hương rừng U Minh" được tổ chức bài bản, tạo được ấn tượng và sức hút mạnh mẽ với du khách, du lịch U Minh mới khẳng định vị trí vững chắc trong bản đồ du lịch của tỉnh.

[Du lịch phía Tây ĐBSCL: Những điểm đến giàu giá trị trải nghiệm]

Trong "Cà Mau-Ðiểm đến năm 2021," huyện U Minh tổ chức sự kiện "Hương rừng U Minh" với chuỗi các hoạt động: Tổ chức xác lập kỷ lục "Tổ ong lớn nhất Việt Nam" của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ, Hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thuỷ sản nước ngọt, Liên hoan tiếng hát thanh niên "Hương rừng U Minh," Giải việt dã "Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân," Giải đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ; Giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu…

Theo ông Lê Hữu Lợi, từ sau thành công của sự kiện "Hương rừng U Minh" năm 2021, huyện đã chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động của năm 2022 và đã tham mưu lãnh đạo huyện thống nhất chủ trương và công tác chuẩn bị chu đáo, an toàn, thích ứng với tình hình mới.

Phát triển đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ du lịch 

Ngành du lịch Cà Mau những năm gần đây phát triển khá nhanh, nhiều dịch vụ du lịch được hình thành và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.

Vai trò của lĩnh vực này trong tỷ trọng nền dịch vụ chung của tỉnh được nhìn nhận ở vị thế trung tâm, cần có tầm nhìn chiến lược để phát triển bứt phá. 

Bên cạnh đó, trong chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đưa khu vực dịch vụ giữ vai trò chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Cà Mau: Phát triển đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái ảnh 2Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại huyện Trần Văn Thời. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, với vị trí là một trong những những ngành kinh tế trọng điểm, lĩnh vực du lịch nói chung và dịch vụ du lịch Cà Mau đề ra 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp xu thế để phát triển. 

Cụ thể, căn cứ vào đặc điểm và tình hình, ngành du lịch Cà Mau tiến hành quản lý và khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc; thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch; thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương… nhằm tạo ra nhiều dịch vụ.

Song song đó, sản phẩm du lịch của tỉnh dựa vào du lịch sinh thái và thương hiệu du lịch sinh thái.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, cùng với các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái: đầm Thị Tường, hòn Ðá Bạc… phát triển thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm, có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, tạo nên thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh.

Ðối với du lịch cộng đồng, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hoá lưu niệm, các món ăn ẩm thực, đặc sản địa phương để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Hiếu Hùng thông tin khai thác lợi thế vùng đất ngập mặn với diễn thế tự nhiên của rừng nguyên sinh và bãi bồi ven biển là điểm nhấn quan trọng của du lịch Cà Mau.

Từ đó, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của tuyến du lịch xuyên rừng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau gắn với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, ngành du lịch tỉnh nghiên cứu phát triển thêm tuyến du lịch xuyên rừng đầy tiềm năng, từ Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Viên An) đến Cồn Cát-Ðất Mũi… 

Ðối với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đến thời điểm này đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng, nhất là những tuyến đường xuyên rừng, vừa đảm bảo phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm, khám phá khu rừng tràm nguyên sinh.

Thành công của sự kiện "Hương rừng U Minh" với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách cho thấy sức hút của du lịch khám phá, nhất là những nét đặc trưng từ diễn thế tự nhiên.

Cùng với đó, "Biển hồ giữa đồng bằng" - đầm Thị Tường đang được quy hoạch lại để khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; trong đó có mở mới tuyến đường kết nối với tuyến bờ Nam Sông Ðốc, thuận tiện kết nối các các tuyến du lịch trọng điểm, đặc biệt là tuyến hải trình Phú Quốc-Nam Du-Sông Ðốc, khám phá đầm Thị Tường-Ðất Mũi…

Với định hướng phát triển mang tầm nhìn chiến lược, ngành du lịch Cà Mau đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú 10% trở lên, doanh thu 16% trở lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục