Cà Mau: Nỗ lực ngăn chặn tình trạng tranh chấp ngư trường khai thác hải sản

Vùng ven biển tỉnh Cà Mau có hệ sinh thái phong phú, tập trung nhiều loại hải sản, do vậy, đây ngư trường này hay xảy ra xung đột quyền lợi, tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực.

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra hoạt động của tàu cá trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra hoạt động của tàu cá trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)

Tình trạng tranh chấp ngư trường để khai thác hải sản giữa các ngư dân trên vùng biển Tây Nam là câu chuyện không mới, nhưng tính chất vụ việc ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn.

Trước sự việc này, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ngư trường nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

‘‘Hồi chuông’’ cảnh báo

Năm 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển Cà Mau luôn được giữ vững, ổn định. Nhưng gần đây, trên ngư trường Cà Mau liên tiếp xảy ra những vụ việc tranh chấp trong khai thác hải sản.

Hành vi kể trên làm ảnh hưởng hoạt động khai thác trên vùng biển, nhất là đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, gây mất an ninh trật tự trên tuyến biển Tây, chủ yếu tại khu vực vùng biển từ các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời đến U Minh, tỉnh Cà Mau.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, chỉ từ tháng 11/2023 đến đầu năm 2024, trên tuyến biển Tây đã liên tiếp xảy ra 11 vụ liên quan đến tranh chấp ngư trường; trong đó các Đồn Biên phòng đã tiếp nhận, bàn giao và phối hợp với Công an địa phương thụ lý điều tra 7 vụ/28 phương tiện.

Có những vụ việc các đối tượng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng điều khiển phương tiện đâm va vào nhau, thậm chí sử dụng cả hung khí, súng bắn đạn chì... và chất cháy để giải quyết mâu thuẫn.

Đơn cử, vụ việc tranh chấp ngư trường xảy ra ngày 17/12/2023 liên quan đến tàu cá CM 02926 TS. Ban đầu, tàu cá này bị một người đi trên vỏ composite tiếp cận, ném chai bia và vỏ ốc bẫy mực vào tàu, nhưng không thiệt hại về tài sản.

Sau khi đối tượng trên rời đi, ngay sau đó có 6 người đi trên vỏ composite tiếp cận, dùng gậy đánh bị thương nhẹ các thuyền viên, đồng thời lấy đi một số tài sản trên tàu cá CM 02926 TS.

kiem-tra-tau-ca-2308.jpg
Lực lượng liên ngành kiểm tra hoạt động tàu cá trên vùng biển Tây Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức điều tra nguồn tin có dấu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản người khác xảy ra trên vùng biển của tỉnh; đồng thời chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ, các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các huyện, Công an tỉnh trong suốt quá trình điều tra, xác minh các đối tượng có liên quan.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, đến ngày 21/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Y Răn (cầm đầu nhóm đối tượng tấn công các thuyền viên tàu cá CM 02926 TS).

Đến ngày 4/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời đã ra Quyết định khởi tố 5 bị can có liên quan. Đơn vị đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vụ việc tranh chấp ngư trường, dễ dẫn đến những điểm nóng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Công an tỉnh đã thành lập Ban chuyên án do Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm Trưởng ban.

Chủ động ngăn chặn, tránh xảy ra ‘‘điểm nóng’’

Tỉnh Cà Mau có vùng biển rộng khoảng 80.000km2, còn vùng ven biển của tỉnh có hệ sinh thái phong phú, tập trung nhiều loại hải sản, thuận lợi cho hoạt động khai thác của một số phương tiện nhỏ với các ngành nghề như bẫy ốc mực, lú, câu kiều, lưới, giã cào...

Do vậy, không chỉ có hàng nghìn tàu cá của ngư dân Cà Mau, mà nhiều tàu cá của các tỉnh khác cũng đến hành nghề trên vùng biển này, khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, dẫn đến xảy ra xung đột quyền lợi, tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực.

Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, chia sẻ qua nắm thông tin từ người dân, hiện nay phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực, dần dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi.

Ngoài ra, trong quá trình chiếm ngư trường trái phép, các tàu cùng làm nghề ốc bẫy mực cũng mâu thuẫn với nhau. Thêm vào đó, đã xuất hiện các nhóm người sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí trên biển để tranh giành ngư trường.

trao-doi-cong-tac-4704.jpg
Trao đổi công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các biện pháp ổn định tình hình trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng trên vùng biển Tây Nam triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả nhiều nguồn tin, vụ việc, vụ án liên quan đến việc tranh chấp ngư trường.

Tuy nhiên, các vụ việc xảy ra cách xa bờ và trên biển nên rất khó khăn trong công tác tiếp cận hiện trường.

Thêm nữa, khi xảy ra tranh chấp ngư trường rất khó giải quyết vì không có cơ sở để xác định được vùng hoạt động của địa phương (huyện), tàu cá nào hoạt động chiếm giữ khu vực biển trước...

Các vụ tranh chấp trên biển dẫn đến đâm, va làm hư hỏng phương tiện, gây thương tích cho thuyền viên hai bên có dấu hiệu hình sự về tội "Hủy hoại tài sản" và "Cố ý gây thương tích"... không thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, nên phải chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Từ thực tế trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các huyện ven biển cùng với Bộ đội Biên phòng thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, nhất là tội phạm trên biển, xử lý dứt điểm các vụ việc, ổn định ngư trường để ngư dân an tâm khai thác, đánh bắt. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an trong điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ về hoạt động phạm tội của các đối tượng và vận động ngư dân trình báo, tố giác tội phạm.

Nhận định tình hình an ninh trật tự trên vùng biển tỉnh Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình tại địa bàn, kịp thời xử lý nhanh, dứt điểm các tình huống phát sinh, cũng như các vụ việc đã xảy ra nhằm răn đe, ngăn chặn tái diễn tình trạng tương tự.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển như Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư... tổ chức, phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường.

Qua đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình hình tranh chấp gia tăng, phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên biển.

Bên cạnh đó, cùng với việc hỗ trợ về kinh phí cho tỉnh thực hiện thả rạn, chà nhân tạo, khu trú ngụ, thiết bị cắt cáp lưới kéo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về “nghề đặc thù” của từng địa phương liên quan đến các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động nghề ốc bẫy mực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm đảm hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên vùng biển./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục