Cà Mau nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Nếu so với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau chậm được cải thiện và xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố.
Trung tâm thành phố Cà Mau ngày nay. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Trung tâm thành phố Cà Mau ngày nay. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Trong những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau đều tăng hạng và điểm số so với cả nước, thuộc nhóm trung bình. Tuy vậy, nếu so với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì vị trí xếp hạng PCI của Cà Mau chậm được cải thiện và xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực tìm giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chỉ rõ nguyên nhân

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI của VCCI, cho biết trong hai năm gần nhất, Cà Mau có một số điểm sáng bởi được đánh giá cao nhất trong 13 tỉnh khu vực về thủ tục, các doanh nghiệp có xu hướng dễ tiếp cận thông tin hơn.

Nhiều doanh nghiệp nâng cao mức hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính, vì rút ngắn về thời gian và minh bạch, chất lượng các dịch vụ được cải tiến nâng cao hơn...

Phân tích về kết quả PCI năm 2018, Cà Mau có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2017 và cao hơn điểm trung vị của cả nước, gồm tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và cạnh tranh bình đẳng.

Đơn cử, chi phí gia nhập thị trường là chỉ số có điểm số và xếp hạng cao nhất 4/63 trong 10 Chỉ số thành phần PCI; chỉ số tính minh bạch xếp hạng 22/63, tăng 34 hạng và chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp hạng 24/63, tăng 19 hạng so với năm 2017.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau chia sẻ khó khăn và thách thức đặt ra đối với địa phương trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đó là phải có giải pháp mang tính đột phá để nhanh chóng cải thiện 5 chỉ số thành phần có điểm số và xếp hạng thấp hơn trung bình của cả nước.

Cụ thể, chỉ số thiết chế pháp lý xếp hạng 59/63, chỉ số đào tạo lao động xếp hạng 58/63, chỉ số tính năng động xếp hạng 53/63, chỉ số tiếp cận đất đai xếp hạng 52/63 và chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh xếp hạng 37/63 so các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của chỉ số PCI, qua đó giúp cho ngành đánh giá hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà doanh nghiệp phải đối mặt. Cụ thể là việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không, doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không.

Ông Trịnh Văn Lên đã nghiêm túc nhìn nhận một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa được duy trì và cải thiện chỉ số này. Trước hết, tỉnh đang thiếu quỹ đất sạch để mới gọi đầu tư. Trong số 15 khu đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao quản lý thì phần lớn các khu đất này nhỏ lẻ, nằm phân tán, hạ tầng không thuận lợi nên chưa thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu công nghiệp Khánh An là đảm bảo quỹ đất sạch.

Kế tiếp là việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ do định giá đất cụ thể còn chậm, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong việc giao đất, cho thuê đất.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa có quỹ đất đáp ứng nhu cầu để doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Thêm nữa, công tác quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong quá trình chuẩn bị thủ tục và triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa chú trọng đến việc chọn địa điểm, quỹ đất thực hiện dự án đầu tư đã được tỉnh quy hoạch nên cũng làm chậm quá trình thực hiện thủ tục đất đai, đầu tư.

Mặt khác, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư để chủ động phối hợp và tìm giải pháp tháo gỡ.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân, thực trạng dẫn đến Chỉ số đào tạo lao động đứng gần cuối bảng xếp hạng so cả nước. Năm 2018, Cà Mau đào tạo, bồi dưỡng 36.255 lao động. Kết quả đào tạo tuy hoàn thành kế hoạch đề ra, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng thực tế nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ, thương mại, du lịch.

[Cà Mau cần đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng]

Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không thu hút được lao động, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa thật sự quan tâm đến việc đào tạo tay nghề cho người lao động, phần lớn lao động làm việc theo thời vụ.

Hằng năm, Sở có văn bản gửi doanh nghiệp về nhu cầu cần đào tạo lao động để kip thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa được quan tâm phản hồi từ phía doanh nghiệp. Đây là khó khăn làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động ở Cà Mau.

Liên quan đến việc chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh xếp hạng 37/63 và chỉ số thiết chế pháp lý xếp hạng 59/63 so cả nước, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau cho rằng kết quả trên do việc kiểm soát, xây dựng kế hoạch còn chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, dẫn đến trong thời gian ngắn không thể phân loại để kiểm soát toàn diện.

Mặc dù đường dây nóng được thiết lập, hộp thư góp ý đã có nhưng việc tiếp nhận thông tin còn ít, có thể do công dân còn chưa quen, hoặc còn e ngại sợ bị ‘‘để ý’’ sẽ gặp khó về sau, nên chưa phát huy hiệu quả ở loại hình tiếp nhận này.

“Kết quả đạt được trong thời gian qua để cải thiện chỉ số chi phí không chính thức cho thấy đây là một chỉ số nhạy cảm trong thành phần cấu thành Chỉ số PCI. Chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính của tỉnh hiện nay. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã nhận thức được điều đó nên tăng cường lãnh chỉ đạo theo dõi, kiểm soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố," ông Huỳnh Quốc Hoàng chia sẻ.

Giải pháp cải thiện chỉ số PCI

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, Chỉ số PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt đã có tại địa phương.

Do đó, không thể nhận xét, đánh giá chung chung, mà điều quan trọng là phải cần có sự phân tích, đánh giá khách quan, chính xác về kết quả cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Cà Mau nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Cà Mau. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Qua khảo sát của VCCI, kỳ vọng của doanh nghiệp tại Cà Mau là được tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, được sỡ hữu quỹ đất sạch và sử dụng đất ổn định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh cần sự năng động, sáng tạo hơn nữa trong quản lý, điều hành; rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương, chính sách và việc thực thi; nâng cao hiệu quả thực thi của hệ thống thiết chế pháp lý; có thái độ tích cực hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Để góp phần cải thiện Chỉ số PCI trong năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện khảo sát đối với các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp như thuế, phòng cháy và chữa cháy, giao thông; lĩnh vực cấp phép kinh doanh quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch...

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI; chấm dứt tình trạng ‘‘trên nóng, dưới lạnh.”

Thanh tra tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát, phân công công chức, viên chức có năng lực, thái độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ vào vị trí việc làm trong các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, tiêu chí cụ thể liên quan đến trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và chống quan liêu, tiêu cực.

Ngoài ra, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần kiên quyết trước tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, từ bỏ tư duy về chi phí ‘"bôi trơn." Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán thì mới có công cụ quan trọng để đẩy lùi các tiêu cực liên quan đến chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Cùng với đó là thực hiện minh bạch tất cả các thủ tục, quy trình xử lý hồ sơ cũng như quy trình thanh tra, kiểm tra; chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Cơ quan chức năng rà soát, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật; có giải pháp khắc phục những chồng chéo, trùng lắp, bất cập trong thanh tra, kiểm tra.

Tại bộ phận một cửa của các cấp, các ngành cần phải niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận khi thực hiện đăng ký thủ tục xin cấp phép đầu tư. Đây được xem là chìa khóa để giải quyết vấn đề chi phí không chính thức và cả chi phí chính thức của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chánh Thanh tra tỉnh cũng đề xuất, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiên quyết tinh giản số cán bộ, công chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiêm vụ theo quy định; xử lý nghiêm túc, kịp thời các hành vi vi phạm nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng gây phiền hà đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Theo ông Phạm Bạch Đằng, Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy Cà Mau, cải thiện chỉ số PCI không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn mà cần phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.

Tỉnh kịp thời đề ra giải pháp nhằm cải thiện nhanh chóng 5 chỉ số thành phần của chỉ số PCI (hiện có số điểm và xếp hạng thấp hơn trung bình của cả nước).

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn công khai, minh bạch hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của địa phương như phát triển du lịch, chế biến thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: điện gió, điện Mặt Trời, chế biến khí...

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hoạt động khởi nghiệp, tạo sức bật trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư, kinh doanh thành công và lâu dài tại tỉnh.

Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ cải thiện đạt trên 50% các chỉ số thành phần có điểm số cao hơn điểm số trung bình của cả nước; tiếp tục duy trì và cải thiện 5 chỉ số thành phần có điểm số tăng và cao hơn điểm số trung vị của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục