Ngày 22/3, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nguyên nhân khiến cua chết bất thường xảy ra tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển đang được cơ quan chuyên môn khẩn trương xác minh, làm rõ.
Trước tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30-100%, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu và Ủy ban Nhân dân các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển... khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến việc cua nuôi bị chết trong những ngày qua.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, nếu xác định cua chết do nguyên nhân tương tự như những năm trước đây thì cơ quan chủ quản phải nhanh chóng đưa ra biện pháp, hướng dẫn người dân khắc phục triệt để nhằm tránh tình trạng cua chết lặp lại hàng năm.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người dân các biện pháp chăm sóc, phòng dịch bệnh trên thủy nuôi để giảm thấp nhất về thiệt hại; đồng thời thực hiện rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng theo quy định.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, thống kê về diện tích và sản lượng cua nuôi thiệt hại và hướng dẫn người dân biện pháp khắc phục.
Đề cập vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, trước mắt đối với các ao nuôi đang xảy tình trạng cua chết bất thường thì phải tổ chức thu hoạch ngay lượng cua còn lại nhằm giúp người dân giảm bớt thiệt hại.
[Đã xác định được nguyên nhân cua tại Cà Mau chết bất thường]
Sau khi thu hoạch hết cua trong vuông tôm, hộ nuôi thủy sản tiến hành xử lý môi trường ao nuôi, đầm nuôi bằng cách diệt khuẩn, sát khuẩn, xổ nước, phơi đầm, bón vôi và lấy nước vào để xử lý chuẩn bị cho thả nuôi lại vụ khác.
Tuy nhiên, khi lấy nước vào vuông tôm, người nuôi phải thực hiện các biện pháp loại bỏ cho bằng được các ký sinh trùng. Điều quan trọng nữa là khi chọn giống, người nuôi phải chọn cua khỏe mạnh, chất lượng tốt, kích cỡ lớn và thả nuôi với mật độ vừa phải, chăm sóc cua nuôi đúng kỹ thuật...
Trước đó, thời điểm năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm bị chết kéo dài gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến cho nhiều hộ nuôi thủy sản ở Cà Mau đứng ngồi, không yên.
Cơ quan chuyên môn tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc xác định rõ nguyên nhân cua chết có liên quan đến loài ký sinh trùng giáp xác chân tơ (Sacculina. sp), sống ký sinh trên các loài cua, ghẹ.
Ký sinh trùng này ký sinh trong xoang thân và cơ, làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, làm chậm quá trình sinh trưởng. Nếu cua, ghẹ có tỷ lệ nhiễm cao gây sự suy kiệt quần đàn, dẫn đến cua có dấu hiệu bị rụng chân.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tinh Cà Mau, hiện tượng cua chết năm nay ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển cũng có biểu hiện tương tự như năm 2020, nhiều khả năng cua nhiễm loài ký sinh trùng giáp xác chân tơ (Sacculina. sp).
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, phần lớn ao nuôi tôm kết hợp nuôi cua thương phẩm. Bình quân mỗi năm sản lượng cua của tỉnh đạt từ 20.000-25.000 tấn../.