Cà Mau khôi phục ngành chăn nuôi lợn sau khi công bố hết dịch

Cà Mau định hướng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi lợn tập trung; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lớn với quy mô lớn.
Cà Mau khôi phục ngành chăn nuôi lợn sau khi công bố hết dịch ảnh 1Giá lợn giống cao khiến hộ chăn nuôi tái đàn cầm chừng. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Ngày 29/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù địa phương đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, nhưng vẫn chưa có nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn mặn mà với việc tái đàn lợn.

Ông Nguyễn Thành Huy - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, nhiều hộ chăn nuôi ở Cà Mau chưa mặn mà với việc tái đàn lợn do một phần tâm lý lo sợ rủi ro, một phần do con giống khan hiếm, giá cả tăng cao.

Thời gian gần đây, một số hộ dân đã mua lợn giống để tái đàn nhưng chỉ nuôi cầm chừng với số lượng không nhiều. Ông Phan Thanh Hùng (xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau) chia sẻ, thị trường lợn giống khan hiếm nên gia đình chỉ mới đặt mua 4 con ban đầu để gây giống tái đàn sau này.

Mỗi lợn con có trọng lượng khoảng 10kg với giá từ 1,8-2,3 triệu đồng/con, tăng từ 800 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/con so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, ông Hùng và một số hộ dân trong xã Lý Văn Lâm rất thận trọng trong khâu lựa chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua lợn giống trôi nổi trên thị trường.

Ngoài ra, cơ quan Thú y còn khuyến cáo đến các chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định trong chăn nuôi, như phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho đàn lợn để phòng ngừa dịch bệnh.

[Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao khiến bà nội trợ 'đau đầu' tìm món mới]

Trước thực tế trên, tỉnh Cà Mau định hướng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi lợn tập trung; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lớn với quy mô lớn theo phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, nhưng phải bảo vệ môi trường gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp tái đàn, hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục và phát triển sản xuất theo hướng ổn định.

Mặt khác, Chi cục tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực hiện việc kiểm dịch động vật; phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm theo quy định tại các trang trại chăn nuôi lợn và tại hộ chăn nuôi lợn.

Năm 2019, toàn tỉnh Cà Mau có tổng đàn lợn lên đến hơn 100 nghìn con. Tuy nhiên, dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra trong thời gian dài đã làm giảm đáng kể tổng đàn lợn của tỉnh.

Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi trên địa bàn tái đàn lợn, nhanh chóng khôi phục sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục