Cà Mau huy động nguồn lực giải quyết tình trạng thiếu nước

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình chỉ đạo các ngành huy động mọi nguồn lực giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Cà Mau huy động nguồn lực giải quyết tình trạng thiếu nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Cà Mau đang bước vào giai đoạn cao điểm của đợt hạn hán. Mực nước nội đồng của các vùng ngọt hoá đang ở mức rất thấp. Các kênh cấp 2, 3 và nội đồng hầu như bị khô cạn khiến cho nhiều hộ dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Không chỉ vậy, thiếu nước khiến sản xuất bị đình trệ. Hiện tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nguy cơ có thể thiếu lương thực ở một số địa phương.

Khát nước diện rộng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh đã thật sự lên đến đỉnh điểm. Mực nước các sông, kênh, rạch xuống thấp, nhiều nơi đã trơ đáy. Đặc biệt là các vùng nằm trong vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau như huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh… khiến người dân tại các địa phương này thiếu trầm trọng nước sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó nước trong khu vực lâm phần rừng tràm cũng được dự báo sẽ không còn đủ để cứu rừng khi có cháy xảy ra.

“Trước ảnh hưởng của El Nino như hiện nay, thì chỉ đến tháng 5, lượng nước tích trữ trong hệ thống các kênh, mương đặc biệt là khu vực vùng ngọt hóa của tỉnh sẽ khô cạn hoàn toàn. Điều này không chỉ ảnh hưỏng nghiêm trọng đến tình trạng sản xuất trong mùa vụ năm nay mà có thể còn ảnh hưởng đến những vụ mùa kế tiếp.

Tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời một số nơi mặc dù có nước giếng khoan lẫn nước máy nhưng hiện đã không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn phải đối mặt với tình trạng trữ lượng nước không thể sử dụng được vì nhiễm phèn nặng,” ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.

Tại địa bàn huyện Trần Văn Thời, hiện có gần 2.000 hộ thiếu ngọt sinh hoạt và hơn 13.000ha lúa bị thiệt hại. Nắng nóng đã làm cho các tuyến kênh nhánh của địa phương bị khô cạn trên 60% khiến cho giao thông đường thuỷ của địa phương bị cắt đứt, chi phí vận chuyển hàng hoá cũng vì thế mà tăng cao.

Các nhánh sông lớn tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đã gần như khô cạn, có nơi trơ đáy khiến giao thông đường thủy không thể hoạt động. Bên cạnh đó, 27 kênh mương nội đồng của địa phương cũng đã cạn. Số còn lại mực nước không quá 0,4 mét dưới lòng kênh. Thêm vào đó, địa phương lại là vùng đất bị nhiễm phèn nặng, nguồn nước ngầm yếu nên không đáp ứng được yêu cầu, vì thế, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong dân đã xuất hiện hơn 1 tháng qua.

Ông Trần Thanh Đoàn, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, dù thời gian qua xã đã được đầu tư 3 mạng cung cấp nước sinh hoạt cho các ấp. Thế nhưng do nhu cầu ở địa phương khá lớn nên không thể đáp ứng đủ. Những mạng cung cấp nước này luôn ở trong tình trạng hoạt động hết công suất nhưng chỉ có thể đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu của người dân.

Hiện nay chỉ có 916 trên 3.727 hộ dân được cung cấp nước sinh hoạt. Số còn lại là sử dụng nước từ giếng khoan. Nhưng nước từ các giếng khoan có chất lượng không đảm bảo cho sinh hoạt vì bị nhiễm phèn.

Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời, địa phương đã xuất hiện nguy cơ thiếu lương thực cho hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác, mực nước trên các sông nội đồng thấp, các bờ kênh, các tuyến đê đều bị khô tạo thành những vết nứt vì thế mà khả năng bị sạt lở đất xâm nhập mặn cũng tăng cao.

“Huyện U Minh cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trong dân từ những tác động của hạn hán vô cùng gay gắt. Trên địa bàn huyện có trên 900 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở 5 xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hòa và Khánh Thuận.

Dù địa phương có hệ thống nước nối mạng, có trên 600 hộ đang sử dụng. Tuy nhiên, trước nhu cầu quá lớn nên các hệ thống này thường xuyên bị hư hỏng từ đó không thể đáp ứng được nhu cầu”, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh cho biết.

Mất cân bằng ngọt-mặn

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, nguyên nhân khiến người dân thiếu nước sử dụng, ngoài nắng hạn, chính là tình trạng xâm nhập mặn.

Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, bên cạnh việc nắng hạn làm xảy ra hiện tượng nứt nẻ sâu khiến nước mặn thẩm thấu qua đê, đập thì chính sự chênh lệch biên độ nước giữa bên trong và bên ngoài ngày càng lớn khiến cho nguy cơ nhiễm mặn các vùng được bao giữ ngọt thuộc hai huyện Trần Văn Thời và U Minh tăng theo.

Hiện biên độ dao động tại nhiều khu vực cửa biển của các địa phương này bình quân từ 1,7-2m, điều này chưa từng xảy ra từ trước đến nay.

Theo kết quả khảo sát tại khu vực huyện Trần Văn Thời (thuộc tiểu vùng III, Bắc Cà Mau), là vùng sản xuất nông nghiệp hệ sinh thái ngọt lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Khu vực này đã được khép kín độc lập bởi hệ thống đê bao với trên 45 cống lớn nhỏ; trong đó có 6 cống trên đê biển tây và 4 đập.

Hiện tại hầu hết các cống, đập trong vùng đang ngăn mặn, giữ ngọt tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số cống từ khi xây dựng đến nay chưa được duy tu, sửa chữa. Thế nên qua quá trình sử dụng vận hành lâu dài đã xuất hiện hiện tượng rò rỉ, gây nhiễm mặn cục bộ. Tình trạng này xuất hiện ở cống Đá Bạc, cống Công Nghiệp, cống Rạch Lùm, cống Bảy Ghe.

Còn trên địa bàn huyện U Minh (thuộc Tiểu vùng II, Bắc Cà Mau) được khép kín độc lập bởi hệ thống đê bao với 14 cống lớn nhỏ. Qua kiểm tra thì mực nước phía trong đồng đang ở mức thấp. Hầu hết các cống này đều bị rò rỉ. Thêm vào đó phần bản đáy cống được xây dựng trên nền đất yếu, lâu năm không được xử lý nên độ kín nước là rất thấp. Ngoài ra, tại một số đập đất, mùa khô thì dùng để ngăn mặn nhưng vào mùa mưa phải phá đập để đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân nên không đảm bảo được độ chặt. Từ đó nước mặn dễ thấm và xâm nhập vào vùng ngọt.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm tại các vùng ngọt hóa hiện nay đang diễn ra một cách gay gắt. Nhiều nơi dù được quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ nhưng đã xuất hiện những “ấp trắng” khi đồng ruộng được thay thế toàn bộ bằng những đầm tôm.

Trước thực trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng địa phương cần phải huy động mọi nguồn lực tuyệt đối không để cho dân đói khát. Thiếu nước thì cần phải tính đến phương án dùng phương tiện cơ giới chở nước vào đến nơi để cung cấp cho dân. Đồng thời tập trung vận động nhân dân phòng tránh những dịch bệnh có thể xảy ra vì thiếu nguồn nước sạch. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các nguồn đã có, công tác triển khai thực hiện sao cho nhanh và đạt hiệu quả chính là mấu chốt giải quyết vấn đề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục