Cà Mau giải quyết việc làm cho hơn 40.000 người trong 9 tháng

Theo thống kê, Cà Mau đã giải quyết việc làm cho hơn 14.182 người trong tỉnh, 25.878 người ngoài tỉnh và 381 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phiên giao dịch việc làm tỉnh Cà Mau ngày 28/3. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ngày 27/9, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết trong 9 tháng qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 40.400 người, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, địa phương giải quyết việc làm cho hơn 14.182 người trong tỉnh, 25.878 người ngoài tỉnh và 381 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho 19.854 người, đạt 70,9% kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Cà Mau thường xuyên, định kỳ thực hiện tư vấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm, đáp ứng nhu cầu kết nối của cả 2 phía - người sử dụng lao động và người lao động.

Quy trình xuất khẩu lao động chặt chẽ, giúp người lao động nắm bắt thông tin nhanh và có nhiều cơ hội chọn việc làm phù hợp...

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 11.710 lượt người, thực hiện 20 phiên giao dịch việc làm thu hút 618 lao động tìm việc và 60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng.

Trung tâm còn tổ chức 37 cuộc tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn và 10 lớp tập huấn cho cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm.

Tuy số lượng người lao động được giải quyết việc làm ở Cà Mau gia tăng nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, nhất là đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kết quả đạt còn thấp.

Chỉ tiêu của năm 2024 tỉnh đưa 600 người đi làm việc ở nước ngoài nhưng 9 tháng qua mới chỉ có thể giải quyết cho 381 người, đạt 63% kế hoạch. Trong số đó, Nhật Bản có 227 người, Đài Loan (Trung Quốc) có 125 người, Hàn Quốc có 23 người và Mỹ có 6 người.

Thời gian qua, nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã quá tuổi tuyển dụng. Hầu hết các đối tác chỉ tuyển dụng lao động độ từ 18-38 tuổi.

Chương trình EPS Hàn Quốc, mỗi năm chỉ tổ chức từ 1-2 kỳ thi tuyển nên người lao động khó tiếp cận với thị trường này.

Một số trường hợp có tâm lý e ngại rủi ro do ảnh hưởng việc tiếp cận thông tin lao động qua các kênh không chính thống, một phần lao động chuyển sang hình thức du học sinh...

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh thông tin Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cấp, ngành quan tâm phối hợp rà soát, định hướng nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu của người lao động và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Tỉnh chú trọng việc đào tạo, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, vận động người dân thay đổi nhận thức về học nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Tỉnh tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, tuyển dụng lao động; niêm yết công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục