Cà Mau: Gần 20.000 ha đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh hiện nay có gần 20.000ha đất quy hoạch sản xuất lúa đã bị nhiễm mặn nghiêm trọ
(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh hiện nay có gần 20.000ha đất quy hoạch sản xuất lúa đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Nguyên nhân một phần là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên vùng ven biển ven sông đều nhiệm mặn. Đây còn gọi là nhiễm mặn theo quy luật tự nhiên.

Tuy nhiêm, điều quan tâm là gần 200ha đất quy hoạch sản xuất lúa vụ 2 đã bị bà con nông dân tự phát đưa nước mặn vào để nuôi tôm, tập trung nhiều nhất là ở huyện Thới Bình và huyện U Minh.

Lúa vụ 2 đang phát triển nhưng đưa nước mặn vào xem như thất trắng, làm cho hàng trăm hộ dân trồng lúa bị thiệt hại nặng nề.

Nhiễm mặn để lại nhiều hệ lụy, đó là làm cho quy hoạch bị phá vỡ, môi trường bị ô nhiễm, đất đai nửa mặn nửa ngọt dẫn tới tình trạng nuôi tôm không hiệu quả, trồng lúa cũng không xong, tổn thất trước hết thuộc về bà con nông dân.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Cà Mau đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện một số biện pháp như tiến hành đắp đập, bao bờ bao chống xâm mặn.

Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy nơi nào đê biển đê sông yếu thì nơi đó xâm mặn xảy ra. Cụ thể như tuyến đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng thì ở đây tình trạng nhiễm mặn rất nặng nề.

Đối với vùng bà con tự phát đưa nước mặn vào để nuôi tôm thì xử lý theo hai hướng, một là tuyên truyền giáo dục làm cho bà con nhận thức được tác hại của xâm mặn, hai là kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

Về lâu dài, giao cho chủ tịch các huyện, thành phố rà soát lại để có điều chỉnh quy hoạch hợp lý và kịp thời. Nơi nào trồng lúa năng suất thấp, nuôi tôm hiệu quả thì sẽ để cho bà con nuôi tôm, nhưng phải xin ý kiến và được chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Hiện nay tỉnh Cà Mau có 290.000ha đất nuôi tôm. Chủ trương chung là không mở rộng thêm diện tích đất nuôi tôm mà sẽ có sự điều chỉnh. Có những tiểu vùng trước đây quy hoạch nuôi tôm, nhưng thực tế không hiệu quả sẽ điều chỉnh trở lại sản xuất lúa hoặc một vụ lúa một vụ tôm. Biện pháp này vừa không tăng thêm diện tích nuôi tôm, mà còn giải quyết nhu cầu thỏa đáng của người nông dân, đồng thời góp phần hoàn thiện khâu quy hoạch giữa trồng lúa và nuôi tôm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục