Cà Mau đặt mục tiêu đóng góp trên 6.500MW điện gió vào lưới điện

Cùng với nhiều dự án tiếp tục trong tương lai, Cà Mau quyết tâm đóng góp trên 6.500MW điện gió vào hệ thống năng lượng điện quốc gia.
18 trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận. (Nguồn: pecc2.com)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thì đến năm 2030 tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 3.607MW điện gió.

Cùng với đó, hạ tầng truyền tải lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến năm 2035, đủ đảm bảo giải phóng công suất cho các dự án nhà máy điện gió đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động.

Hiện Cà Mau đang tiếp tục triển khai 12 dự án với tổng công suất 700MW; trong đó, 10 dự án đã khởi công.

Cùng với nhiều dự án tiếp tục trong tương lai, Cà Mau quyết tâm đóng góp trên 6.500MW điện gió vào hệ thống năng lượng điện quốc gia.

[Bộ TN-MT: Việt Nam có tiềm năng phát triển ‘mỏ ánh sáng’ ngoài khơi]

Cà Mau hiện chưa có dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành, nhưng các năm gần đây trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 111.000kWp. Tỉnh cũng có 2 dự án điện sinh khối với tổng công suất 48MW đang được đề xuất chủ trương đầu tư.

Cà Mau được đánh giá là một trong những những địa phương giàu tiềm năng để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Đến nay, địa phương đã hòa vào lưới điện quốc gia 100MW từ 3 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại gồm Nhà máy Điện gió Tân Thuận 1 và 2 thuộc huyện Đầm Dơi; Nhà máy Điện gió Tân Ân thuộc huyện Ngọc Hiển.

Theo Sở Công Thương Cà Mau, với 100MW chính thức đưa vào vận hành thương mại đã góp phần bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 225 triệu KWh/năm. Đây được xem là mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu cho ngành điện gió tại tỉnh Cà Mau, có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh đánh giá với một địa phương giàu tiềm năng như Cà Mau, việc tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo không chỉ góp phần xứng đáng vào nguồn năng lượng quốc gia mà còn đảm bảo tốt hơn an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tăng tốc rất nhanh. Đồng thời, đây còn thể hiện cam kết tăng trưởng xanh của đất nước, cũng như khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau chú trọng đến phát triển ngành năng lượng sạch trên địa bàn. Theo đó, Cà Mau đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 30/6/2020 nhằm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nguồn năng lượng có thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỉnh phấn đấu thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 tăng thêm 4.000MW(năng lượng tái tạo khoảng 1.000MW); đến năm 2045 tăng thêm 5.000MW.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trình Bộ Công Thương xin bổ sung vào quy hoạch tổng cộng 36 dự án với tổng công suất 24.564MW; trong đó, có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018MW; 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700MW và 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846MW./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục