Cà Mau hiện có 750 hộ chuyên làm nghề làm cá bổi; trong đó, gần 100 hộ đã làm giàu với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; các hộ còn lại cũng có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm.
Nghề làm cá khô bổi tập trung tại các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời và đang phát triển rất nhanh do hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh Cà Mau đang phấn đấu đến năm 2017 sẽ đăng ký đưa cá khô bổi thành thương hiệu đặc sản của Cà Mau. Cùng với việc khuyến khích người dân sản xuất, tỉnh cũng khuyến cáo nên thả nuôi có tổ chức nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu. Đồng thời, chú trọng khâu vệ sinh an toàn sản phẩm; vùng sản xuất cá khô bổi phải là vùng nước ngọt vì loại cá này không thích nghi với nước mặn.
Cá bổi là một trong những loại nổi tiếng ở Cà Mau, được người dân nuôi chung với đất trồng lúa, trồng rừng hoặc nuôi riêng ở ao. Cá nuôi chung với đất trồng lúa, trồng rừng không cần cho thức ăn và sau 10 tháng nuôi cho thu hoạch với trọng lượng 6 con/kg. Nếu cá nuôi riêng trong ao hồ thì phải cho thức ăn và sau bốn tháng sẽ thu hoạch được.
Nếu như cá bổi tươi chế biến ăn không ngon, giá thấp thì cá bổi làm khô lại là món ngon, đắt tiền. Trên thị trường, hiện giá cá bổi tươi là 60.000 đồng/kg nhưng cá khô bổi có giá lên tới 600.000 đồng/kg. Cứ 3kg cá bổi tươi nguyên liệu làm ra được 1kg cá khô bổi. Sau khi trừ tất cả các loại chi phí, làm ra 1kg khô bổi cho lãi 300.000 đồng.
Chị Võ Thị Oanh, một chủ cơ sở sản xuất cá khô bổi ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cho biết mặc dù quy trình làm cá khô bổi thì ai cũng biết nhưng quan trọng nhất là kỹ thuật muối ướp. Nếu để cá mặn quá thì không ngon nhưng nếu ướp nhạt quá thì cá sẽ bị ẩm mốc, không giữ lâu được. Trước đây không có máy sấy thì phải đem cá phơi nắng ba ngày. Tuy nhiên, việc quản lý sản phẩm cũng như kỹ thuật ướp là bí quyết riêng của mỗi người làm cá khô bổi./.