Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng được cấp chứng nhận đạt chuẩn ASC

Với chứng nhận ASC, thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu mua tôm của các thị trường nhập khẩu.

Ông Trần Phương Đại, Giám đốc kinh doanh Bureau Veritas Vietnam (BV) trao Chứng nhận ASC nhóm cho ông Lâm Thái Xuyên (phải), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Ông Trần Phương Đại, Giám đốc kinh doanh Bureau Veritas Vietnam (BV) trao Chứng nhận ASC nhóm cho ông Lâm Thái Xuyên (phải), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ngày 21/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện nuôi tôm-rừng gắn với Lễ công bố chứng nhận ASC nhóm”Tại xã Tân Ân Tây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú thực hiện chứng nhận ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) phiên bản nhóm (ASC Group) từ tháng 10/2023.

Sau 1 năm thực hiện đã có 375 hộ dân được cấp giấy chứng nhận, với diện tích 1.860 ha, do tổ chức Bureau Veritas (BV) đánh giá và cấp chứng nhận lần đầu (có hiệu lực 3 năm), mỗi năm đánh giá kiểm tra một lần.

Tra dữ liệu trên website của tổ chức ASC, cho thấy đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm-rừng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, chi trả dịch vụ môi trường rừng và giá trị tăng thêm cho các dự án tôm-rừng đạt hơn 3,8 tỷ đồng năm 2023, dự kiến năm 2024 hơn 4 tỷ đồng.

Theo ông Võ Minh Hổ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, thông qua thực hiện mô hình sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và môi trường.

Hơn nữa, người nuôi tôm trên địa bàn xã thay đổi thói quen trong sản xuất, nắm bắt quy trình nuôi áp dụng vào sản xuất, bảo tồn và phát triển đa dang sinh học, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi các loài thủy sản khác để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú cho biết với chứng nhận ASC, thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động, từ đó đáp ứng nhu cầu mua tôm của các thị trường nhập khẩu.

Cùng với đó, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất tôm bền vững, thúc đẩy sản xuất sạch, truy suất nguồn gốc đầy đủ và du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau vươn ra thế giới.

Ông Trần Phương Đại, Giám đốc kinh doanh Bureau Veritas Vietnam (BV) cho rằng xây dựng thành công vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế là sự nỗ lực, đồng hành rất lớn từ phía doanh nghiệp xã hội, chính quyền địa phương và người nuôi tôm-rừng.

TTXVN_2111 tom rung Ca Mau ASC 2.jpg
Ông Võ Minh Hổ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, trao Giấy khen tặng các cá nhân có thành tích trong thực hiện dự án nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tuy nhiên, xây dựng vùng nuôi đạt các chứng quốc tế tốn kém rất nhiều chi phí, nên địa phương cần phải tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Sau 11 năm triển khai dự án tại Cà Mau, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú đã thực hiện thành công vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế tại các xã Viên An Đông, Viên An, Tam Giang Tây, Tân Ân, thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân Tây của huyện Ngọc Hiển.

Vùng nuôi có tổng diện tích chứng nhận đạt gần 11.500ha, với hơn 2.370 hộ tham gia, tại Ban quản lý rừng Đất Mũi, Kiến Vàng và Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển.

Trước đó, tháng 5/2013, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú bắt đầu thực hiện chứng nhận quốc tế tại vùng tôm rừng xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Sau hơn 11 năm, đơn vị đang duy trì và mở rộng 12 vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế ở Cà Mau và Kiên Giang.

Tại huyện Ngọc Hiển, đơn vị đã thực hiện thành công vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế tại các xã Viên An Đông, Viên An, Tam Giang Tây, Tân Ân, thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân Tây.

Tổng diện tích chứng nhận đạt gần 11.500ha, với hơn 2.370 hộ, tại Ban quản lý rừng Đất Mũi, Kiến Vàng và Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển. Chi trả dịch vụ môi trường rừng và giá trị tăng thêm hơn 3,8 tỷ đồng năm 2023, dự kiến năm 2024 hơn 4 tỷ đồng.

Từ mô hình tôm rừng huyện Ngọc Hiển, đã thành công mô hình tôm lúa và tôm công nghiệp, tiếp tục bắt đầu với mô hình tôm quảng canh cải tiến ở huyện Cái Nước và Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Dịp này, Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC nhóm cho xã Ủy ban Nhân dân xã Ân Tây.

Ủy ban Nhân dân xã tặng giấy khen cho 2 tập thể, 10 cá nhân có thành tích tốt thực hiện Dự án nuôi tôm theo chuẩn quốc tế ASC giai đoạn 2023-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục