Bộ Y tế Philippines thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên mức 1.954.023 ca sau khi ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, mức cao thứ nhì theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây.
Số ca tử vong mới tại Philippines là 101 ca, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi lên 33.109 ca. Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc tại Philippines tăng mạnh với số lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng Tám.
Ngày 28/8 vừa qua, Phillipines đã ghi nhận 19.441 ca mắc mới, mức cao nhất theo ngày. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận 1.789 ca mắc biến thể Delta, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, nhiều khả năng trong những ngày tới, số ca mắc sẽ vẫn tăng cao. Hiện có hơn 70 khu vực, gồm Vùng đô thị Manila, đang ở mức cảnh báo cấp độ 4 về dịch bệnh.
Tính đến 26/8, Philippines đã tiêm gần 32 triệu liều vaccine với 13,5 triệu người đã tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay.
Campuchia cảnh giác trước nguy cơ biến thể Delta lan mạnh
Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia đang quan ngại về nguy cơ biến thể Delta lan mạnh khi nước này ghi nhận 218 ca mắc biển thể nguy hiểm này trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia cho tới này lên tới 1.752 ca.
Đáng chú ý, thủ đô Phnom Penh ghi nhận khoảng 82 ca, số còn lại tập trung tại 22 tỉnh. Tới nay, hai tỉnh Kep và Kratie chưa ghi nhận ca mắc biến thể Delta.
Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng kêu gọi người dân cảnh giác, tăng cường phòng dịch và thích ứng với điều kiện bình thường mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
[Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc]
Cùng ngày, Campuchia thông báo đã ghi nhận tổng cộng 438 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 92.208 ca và 1.881 ca tử vong. Ông Bunheng cũng kêu gọi người dân từ 12 tuổi trở lên nhanh chóng tiêm chủng.
Tính đến ngày 28/8, khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi đó 8,34% đã hoàn thành tiêm chủng.
Thái Lan sẽ nối lại một số chuyến bay nội địa tại các vùng có nguy cơ cao
Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) ngày 29/8 thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.
CAAT nêu rõ những chuyến bay này chỉ được phép hoạt động 75% công suất và các hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như có chứng nhận đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không gồm Asia Aviation và Bangkok Airways đã thông báo nối lại một số chuyến bay nội địa từ tuần tới.
Thông báo trên được đưa ra sau khi giới chức Thái Lan nới lỏng một số biện pháp phòng dịch tại 29 tỉnh có nguy cơ cao từ tháng tới, cho phép trung tâm thương mại mở cửa trở lại và người dân di chuyển dễ dàng hơn.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong.
Riêng thủ đô Bangkok và năm tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7.
Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Cho tới nay, khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ có 140 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm nay./.