''Candle in the wind'' ra đời năm 1973 ban đầu được viết để dành tặng Marilyn Monroe, biểu tượng điện ảnh qua đời 11 năm trước đó, khi mới 36 tuổi.
Hơn hai thập kỷ sau, thế giới một lần nữa lặng đi khi nghe Elton John đệm đàn piano và hát ''Candle in the wind'' với ca từ mới tại tu viện Westminster vào ngày 6/9/1997 trong tang lễ của Công nương Diana.
Chỉ có thể nói đó là định mệnh, khi ''Candle in the wind'' vô tình trở thành ca khúc tiễn biệt hai người phụ nữ tài hoa và bạc mệnh.
[Huyền thoại Marilyn Monroe và lời chối từ đáng tiếc với sân khấu]
''Tạm biệt Norma Jean, dù tôi chưa từng quen nàng…''
Nhà thơ người Anh Bernie Taupin đã mở đầu bản nhạc của Elton John như vậy, bằng tên thật của Marilyn Monroe. ''Candle in the wind'' ra đời như một lời chia tay đầy xót xa dành cho Marilyn.
Vinh quang và cay đắng, đám đông và sự cô độc, ánh đèn sân khấu và ánh chớp flash máy ảnh, thần tượng của đám choai choai háu đói và ''con mồi'' của những paparazzi, hào quang Hollywood và những nghiệt ngã đằng sau tấm màn nhung… Taupin đã dựng nên tượng đài nhan sắc Marilyn Monroe bằng ca từ và nó được ngân lên trên nền nhạc du dương, tha thiết của Elton John.
Ngay khi ra đời, năm 1973, ''Candle in the wind'' đã đạt đến đỉnh cao cả về doanh thu và danh tiếng. Nó mang lại cho bộ đôi tác giả Elton John-Bernie Taupin cơ man danh hiệu và những khoản tiền tác quyền kếch xù. Album có ca khúc này, ''Goodbye yellow brick road,'' cũng trở thành một album huyền thoại.
''Tạm biệt đóa hồng Anh quốc, nàng mãi ngự trị trong trái tim chúng tôi…''
''Candle in the wind'' phiên bản gắn liền với hình ảnh kiều nữ Marilyn Monroe vẫn nằm trong niềm nhớ của người yêu nhạc như thế suốt 24 năm cho đến sáng sớm Chủ nhật, ngày 31/8/1997 khi cả nước Anh bị đánh thức bởi tin dữ: Công nương Diana đã qua đời trong một tai nạn xe hơi. Và đó là lúc ca khúc ''Candle in the wind'' được gắn thêm một biểu tượng mới.
Ca sỹ Elton John bị dựng dậy lúc mờ sáng, cuộc điện thoại khiến trống ngực ông đập liên hồi. Tai nạn thảm khốc ấy dường như là hồi kết rùng rợn mà Elton John từng lo sợ. Và khi người bạn gửi tin nhắn xác nhận Diana đã qua đời, Elton John gần như ngã quỵ.
Chỉ vài tuần trước đó, trong đám tang của nhà thiết kế huyền thoại Gianni Versace - người bạn tài hoa của cả hai qua đời vì bị sát hại, Diana còn ngồi cạnh Elton John và lau nước mắt cho ông. Giờ đây ông lại phải nói lời vĩnh biệt với Diana. Ai sẽ là người lau nước mắt cho ông?
Ngày hôm sau, Elton John nhận được một cuộc gọi khác, đầu dây bên kia là Sarah McCorquodale, chị gái của Công nương Diana. Elton John được mời đến dự lễ tang của Công nương Diana và hơn thế, ông được yêu cầu hát một ca khúc tưởng nhớ nàng.
Elton John đồng ý ngay và nói ông sẽ hát ''Your song'', ca khúc sinh thời Công nương Diana rất thích.
Nhưng sau đó, Elton John đã nghĩ lại, ông nhấc máy gọi ngay cho Bernie Taupin, khi đó đang ở Mỹ. Elton John nói ông muốn viết một ca khúc mới, tương tự như ''Candle in the wind'', để tưởng nhớ Diana.
Phía đầu dây bên kia, Taupin hứa sẽ viết ngay lập tức. Chỉ có điều, Taupin lại hiểu nhầm rằng Elton John muốn ông viết lại lời mới cho ''Candle in the wind''. Hai tiếng sau, ''Candle in the wind'' phiên bản mới đã hoàn thành với những ca từ đẹp nhất dành tặng riêng Công nương Diana.
Ngày 6/9/1997, 2,5 tỷ người trên toàn thế giới đã lặng đi khi nghe Elton John đệm piano hát ''Candle in the wind'' với phần ca từ mới. Hình ảnh diễn viên Marilyn Monroe được thay bằng ''đóa hồng nước Anh'' Công nương Diana.
Lời ca mang nhiều sự tôn kính, tính từ ''cô độc'' được thay bằng ''vẻ đẹp,'' sự chán chường, bế tắc được thế bằng sự vĩnh cửu ''không bao giờ tàn phai dưới ánh hoàng hôn.''
[Chiêm ngưỡng những trang phục từng gắn bó với Công nương Diana]
Ngày 23/9/1997, single ''Candle in the wind'' phiên bản mới chính thức phát hành và trở thành đĩa single có mức tiêu thụ đứng thứ hai trong lịch sử ngành băng đĩa. Chỉ trong bảy ngày, tính riêng ở châu Âu, album này đã bán được trên 2 triệu bản.
Hàng người nối dài tại các cửa hàng băng đĩa, thậm chí có nơi còn phải giới hạn số lượng bán cho mỗi khách hàng.
Toàn bộ lợi nhuận của ca khúc được chuyển cho quỹ từ thiện mang tên Công nương Diana. Đây là một cử chỉ nghĩa hiệp, vượt lên giá trị thương mại. Hành động này cũng dập tắt những ý kiến trái chiều cho rằng Elton John ăn theo sự thành công của tác phẩm trước đó.
Sự nghiệt ngã của danh vọng
Vậy có điều gì chung giữa hai bóng hồng - cô đào Marilyn Monroe và Công nương Diana? Họ đều ra đi khi chỉ vừa 36 tuổi, cuộc đời của họ luôn bị đeo bám bởi những tay săn ảnh.
Elton John cùng Bernie Taupin than khóc cho hai người phụ nữ, nhưng cũng là than khóc cho cuộc sống riêng tư của rất nhiều người nổi tiếng đã từng và tiếp tục bị phơi bày trước con mắt soi mói của công chúng.
Mà cuộc đời của một huyền thoại hay một người bình thường cũng đều như nhau, khi nằm xuống. Cũng chỉ là ngọn nến trước gió mà thôi./.