Ngày 27/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết đã có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá đặc sản chết hàng loạt ở vịnh đảo Nghi Sơn (còn gọi là vụng Ngọc) xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia là do bị dịch bệnh.
Theo phát hiện của các cơ quan chuyên môn, virus gây bệnh thần kinh ở cá Giò, cá Hồng Mỹ là loại vi trùng vibrio spp, còn cá Mú thì bị sán lá đơn chủ. Đây là các bệnh nguy hiểm có thể gây chết cá và khiến các lồng cá nuôi gần nhau dễ bị nhiễm bệnh đồng loạt.
Sau khi có kết luận khoa học từ các cơ quan chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Tĩnh Gia tổ chức một số hội nghị với các hộ nuôi cá lồng tại xã Nghi Sơn để giải thích rõ nguyên nhân cá chết, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của các hộ nuôi và bàn giải pháp thực hiện phòng chống dịch bệnh, phát triển nuôi bền vững.
Trước đó, cuối tháng 7/2011, hiện tượng cá chết xuất hiện ở hầu hết các lồng nuôi trên vịnh đảo Nghi Sơn và tiếp tục diễn ra trong tháng 8, tháng 9/2011. Cá chết phần lớn có kích thước từ 5 cm đến 25 cm. Trước khi chết, cá có hiện tượng bơi không định hướng, trên thân có nhiều vết lở loét... Nghiêm trọng hơn, một số cá Giò thương phẩm nuôi gần 2 năm đã đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2,5kg chuẩn bị cho thu hoạch cũng chết khiến chủ lồng thất thu hàng chục triệu đồng.
Giá thành của cá Mú bán ngay tại lồng bè có thời điểm lên tới 400.000-500.000 đồng/kg, cá Giò 300.000-400.000 đồng/kg... Thống kê từ Ủy ban Nhân dân xã Nghi Sơn, đã có khoảng gần 100 tấn cá đặc sản gồm cá Mú, cá Hồng Mỹ, cá Giò... bị chết, thiệt hại gần 5 tỷ đồng.
Trước thực trạng cá chết hàng loạt ở vịnh Nghi Sơn, các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa đã vào cuộc để tìm nguyên nhân. Chi cục Thú y Thanh Hóa đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương lấy mẫu nước và mẫu cá chết ở vịnh Nghi Sơn để xét nghiệm. Ngoài ra, Phòng thí nghiệm hóa - lý nghiệp vụ và phân tích môi trường thuộc Viện kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) cũng lấy 6 mẫu nước thu tại hiện trường vùng nuôi cá lồng ngay khi tàu nạo vét cầu cảng Nghi Sơn đang hoạt động để xét nghiệm. Kết luận cho thấy cá bị nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm và 6 mẫu nước thu tại hiện trường cho thấy các yếu tố môi trường ở mức tiêu chuẩn cho phép.
Ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tĩnh Gia cho biết: "Việc nuôi cá lồng của 86 hộ dân tại vụng Ngọc với tổng số hơn 1.000 ô lồng đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân trong xã, giải quyết việc làm và phát huy những lợi thế, tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, việc tăng nhanh số hộ nuôi và lồng nuôi cũng như mật độ nuôi không theo quy hoạch, định hướng phát triển kết hợp với việc vụng Ngọc thường xuyên phải nhận nước xả thải sinh hoạt trực tiếp của 1.800 hộ dân và tàu thuyền khai thác qua lại đã làm cho môi trường nơi đây khá ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển."
Theo tìm hiểu của phóng viên, Vịnh Nghi Sơn là nơi duy nhất của Thanh Hóa phát triển nghề nuôi thủy sản bằng lồng trên biển. Với địa thế là nơi kín gió, kín sóng, môi trường nước ổn định, lại ít bị mưa bão đe dọa nên từ những năm 90 của thế kỷ trước ngư dân đã đóng lồng, bè để nuôi cá.
Theo Quy hoạch tổng thế phát triển ngành thủy sản Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 4/2008 thì vụng Nghi Sơn chỉ được phát triển nuôi cá lồng tối đa là 250 lồng theo kiểu truyền thống với thể tích lồng 3m x 3m x 3m.
Trên thực tế, khi thủy triều ở mức cao nhất trong năm, vụng Nghi Sơn có diện tích mặt nước tự nhiên khoảng 11 ha, có độ sâu 8-10m, độ mặn dao động 20-30‰, nếu chỉ duy trì từ 200 đến 250 lồng bè thì sẽ tạo môi trường tốt cho con cá sinh trưởng và phát triển. Ban đầu chỉ có dăm ba hộ làm nhưng sau đó, do lợi nhuận mang lại từ nghề này khá lớn nên người dân đã ồ ạt làm theo. Năm 2005 chỉ có 300 lồng, đến năm 2011 lên tới trên 1.000 lồng nuôi.
Từ năm 2005 đến 2010, năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi bị chết ở Nghi Sơn, thời điểm cá chết vào tháng 7-8 âm lịch hàng năm, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Riêng năm 2011, hiện tượng cá chết xảy ra hàng loạt và nhiều hơn so với các năm về trước đã cho thấy rõ thực trạng nghề nuôi cá lồng ở Nghi Sơn đang bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn, phát triển thiếu tính bền vững.
Ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tĩnh Gia cũng khẳng định công tác quản lý của xã Nghi Sơn còn khá nhiều hạn chế khi để tình trạng nuôi cá lồng ở xã này phát triển tự phát, không kiểm soát được môi trường nuôi và cũng chưa đưa ra được những giải pháp, biện pháp xử lý triệt để, kịp thời.
Để nghề nuôi cá lồng ở vịnh Nghi Sơn phát triển bền vững cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của chính quyền địa phương và người dân trong việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường, vì nếu chỉ phát triển với lợi ích trước mắt mà không tính đến những hệ luỵ thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa cũng cần tính đến phương án đưa các hộ nuôi trồng thủy sản của Nghi Sơn tiến ra khơi xa, tìm đến những nơi có điều kiện thích hợp để bà con phát triển ngành nghề, như vậy sẽ giải quyết được bài toán về môi trường ở vịnh đảo này, đồng thời còn là tiền đề để Nghi Sơn phát triển, mở rộng nghề nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản./.
Theo phát hiện của các cơ quan chuyên môn, virus gây bệnh thần kinh ở cá Giò, cá Hồng Mỹ là loại vi trùng vibrio spp, còn cá Mú thì bị sán lá đơn chủ. Đây là các bệnh nguy hiểm có thể gây chết cá và khiến các lồng cá nuôi gần nhau dễ bị nhiễm bệnh đồng loạt.
Sau khi có kết luận khoa học từ các cơ quan chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Tĩnh Gia tổ chức một số hội nghị với các hộ nuôi cá lồng tại xã Nghi Sơn để giải thích rõ nguyên nhân cá chết, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của các hộ nuôi và bàn giải pháp thực hiện phòng chống dịch bệnh, phát triển nuôi bền vững.
Trước đó, cuối tháng 7/2011, hiện tượng cá chết xuất hiện ở hầu hết các lồng nuôi trên vịnh đảo Nghi Sơn và tiếp tục diễn ra trong tháng 8, tháng 9/2011. Cá chết phần lớn có kích thước từ 5 cm đến 25 cm. Trước khi chết, cá có hiện tượng bơi không định hướng, trên thân có nhiều vết lở loét... Nghiêm trọng hơn, một số cá Giò thương phẩm nuôi gần 2 năm đã đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2,5kg chuẩn bị cho thu hoạch cũng chết khiến chủ lồng thất thu hàng chục triệu đồng.
Giá thành của cá Mú bán ngay tại lồng bè có thời điểm lên tới 400.000-500.000 đồng/kg, cá Giò 300.000-400.000 đồng/kg... Thống kê từ Ủy ban Nhân dân xã Nghi Sơn, đã có khoảng gần 100 tấn cá đặc sản gồm cá Mú, cá Hồng Mỹ, cá Giò... bị chết, thiệt hại gần 5 tỷ đồng.
Trước thực trạng cá chết hàng loạt ở vịnh Nghi Sơn, các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa đã vào cuộc để tìm nguyên nhân. Chi cục Thú y Thanh Hóa đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương lấy mẫu nước và mẫu cá chết ở vịnh Nghi Sơn để xét nghiệm. Ngoài ra, Phòng thí nghiệm hóa - lý nghiệp vụ và phân tích môi trường thuộc Viện kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) cũng lấy 6 mẫu nước thu tại hiện trường vùng nuôi cá lồng ngay khi tàu nạo vét cầu cảng Nghi Sơn đang hoạt động để xét nghiệm. Kết luận cho thấy cá bị nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm và 6 mẫu nước thu tại hiện trường cho thấy các yếu tố môi trường ở mức tiêu chuẩn cho phép.
Ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tĩnh Gia cho biết: "Việc nuôi cá lồng của 86 hộ dân tại vụng Ngọc với tổng số hơn 1.000 ô lồng đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân trong xã, giải quyết việc làm và phát huy những lợi thế, tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, việc tăng nhanh số hộ nuôi và lồng nuôi cũng như mật độ nuôi không theo quy hoạch, định hướng phát triển kết hợp với việc vụng Ngọc thường xuyên phải nhận nước xả thải sinh hoạt trực tiếp của 1.800 hộ dân và tàu thuyền khai thác qua lại đã làm cho môi trường nơi đây khá ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển."
Theo tìm hiểu của phóng viên, Vịnh Nghi Sơn là nơi duy nhất của Thanh Hóa phát triển nghề nuôi thủy sản bằng lồng trên biển. Với địa thế là nơi kín gió, kín sóng, môi trường nước ổn định, lại ít bị mưa bão đe dọa nên từ những năm 90 của thế kỷ trước ngư dân đã đóng lồng, bè để nuôi cá.
Theo Quy hoạch tổng thế phát triển ngành thủy sản Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 4/2008 thì vụng Nghi Sơn chỉ được phát triển nuôi cá lồng tối đa là 250 lồng theo kiểu truyền thống với thể tích lồng 3m x 3m x 3m.
Trên thực tế, khi thủy triều ở mức cao nhất trong năm, vụng Nghi Sơn có diện tích mặt nước tự nhiên khoảng 11 ha, có độ sâu 8-10m, độ mặn dao động 20-30‰, nếu chỉ duy trì từ 200 đến 250 lồng bè thì sẽ tạo môi trường tốt cho con cá sinh trưởng và phát triển. Ban đầu chỉ có dăm ba hộ làm nhưng sau đó, do lợi nhuận mang lại từ nghề này khá lớn nên người dân đã ồ ạt làm theo. Năm 2005 chỉ có 300 lồng, đến năm 2011 lên tới trên 1.000 lồng nuôi.
Từ năm 2005 đến 2010, năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi bị chết ở Nghi Sơn, thời điểm cá chết vào tháng 7-8 âm lịch hàng năm, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Riêng năm 2011, hiện tượng cá chết xảy ra hàng loạt và nhiều hơn so với các năm về trước đã cho thấy rõ thực trạng nghề nuôi cá lồng ở Nghi Sơn đang bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn, phát triển thiếu tính bền vững.
Ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tĩnh Gia cũng khẳng định công tác quản lý của xã Nghi Sơn còn khá nhiều hạn chế khi để tình trạng nuôi cá lồng ở xã này phát triển tự phát, không kiểm soát được môi trường nuôi và cũng chưa đưa ra được những giải pháp, biện pháp xử lý triệt để, kịp thời.
Để nghề nuôi cá lồng ở vịnh Nghi Sơn phát triển bền vững cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của chính quyền địa phương và người dân trong việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường, vì nếu chỉ phát triển với lợi ích trước mắt mà không tính đến những hệ luỵ thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa cũng cần tính đến phương án đưa các hộ nuôi trồng thủy sản của Nghi Sơn tiến ra khơi xa, tìm đến những nơi có điều kiện thích hợp để bà con phát triển ngành nghề, như vậy sẽ giải quyết được bài toán về môi trường ở vịnh đảo này, đồng thời còn là tiền đề để Nghi Sơn phát triển, mở rộng nghề nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản./.
Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)