ByteDance và TikTok yêu cầu tạm hoãn thi hành lệnh cấm của Mỹ

ByteDance, TikTok đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa Phúc thẩm Mỹ, trong đó cảnh báo nếu không có lệnh hoãn thi hành, luật trên sẽ có hiệu lực trong việc đóng cửa TikTok ngay trước lễ nhậm chức tổng thống.
Biểu tượng Tiktok tại văn phòng ở Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ứng dụng video ngắn TikTok và công ty mẹ ByteDance ngày 9/12 đã yêu cầu một tòa phúc thẩm tạm thời ngăn chặn điều luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1, trong khi chờ xem xét của Tòa án Tối cao Mỹ.

Hai công ty đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa Phúc thẩm Mỹ tại Quận Columbia, trong đó cảnh báo rằng nếu không có lệnh hoãn thi hành, luật trên sẽ có hiệu lực trong việc đóng cửa TikTok ngay trước lễ nhậm chức tổng thống.

Đơn yêu cầu cũng nhấn mạnh TikTok là một trong những nền tảng phát ngôn phổ biến nhất tại Mỹ, với hơn 170 triệu người dùng hàng tháng.

Nếu không có lệnh của tòa, TikTok có thể bị cấm tại Mỹ trong sáu tuần nữa, khiến TikTok “mất giá” đáng kể đối với ByteDance và các nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến những doanh nghiệp phụ thuộc vào TikTok để thúc đẩy doanh số.

Tuần trước, một hội đồng ba thẩm phán của tòa phúc thẩm nói trên đã giữ nguyên điều luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước đầu năm tới, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm chỉ trong sáu tuần nữa.

Đội ngũ pháp lý của ByteDance và TikTok tin rằng Tòa án Tối cao có khả năng cao sẽ xem xét lại vụ việc và có thể đảo ngược phán quyết hiện tại. Do đó, họ cho rằng việc tạm dừng thi hành luật là cần thiết để có thêm thời gian xem xét kỹ lưỡng vấn đề.

ByteDance và TikTok cũng lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ ngăn chặn lệnh cấm, và lập luận rằng việc hoãn thi hành luật sẽ cho chính quyền sắp tới thời gian để xác định lập trường của mình.

TikTok cũng cảnh báo rằng phán quyết của tòa sẽ làm gián đoạn "dịch vụ cho hàng chục triệu người dùng TikTok bên ngoài nước Mỹ." Ứng dụng này giải thích rằng TikTok dựa vào hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ tại Mỹ để thực hiện các công việc như bảo trì hệ thống, phân phối ứng dụng và cập nhật phần mềm.

Nếu lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 19/1, các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cho nền tảng TikTok nữa. Điều này đồng nghĩa với việc TikTok sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, cập nhật tính năng mới và sửa lỗi, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của cả những người dùng bên ngoài nước Mỹ.

TikTok đã yêu cầu tòa phúc thẩm đưa ra quyết định về yêu cầu này trước ngày 16/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục