Theo đại diện các cơ quan chức năng, xe buýt nhanh BRT khi đưa vào vận hành từ đầu năm 2017 sẽ từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân thủ đô.
Tuy nhiên, trong điều kiện giao thông hiện nay của Hà Nội thì buýt nhanh sẽ không thể vận hành đầy đủ chức năng như buýt nhanh của thế giới, Hà Nội sẽ làm từng bước để hoàn thiện.
Một bước không thể làm giao thông thông thoáng
Tại buổi họp báo triển khai phương án tổ chức buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa vào chiều 19/12, bà Jung Eun Oh, Trưởng ban giao thông của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng Giám đốc dự án buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa đánh giá, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn Hà Nội khá nghiêm trọng, do đó việc giảm tắc nghẽn giao thông là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng như ôtô con, xe máy. Thế nhưng, giải pháp được chứng minh tại các thành phố lớn trên thế giới nhằm giảm ùn tắc giao thông là phát triển mạng lưới giao thông công cộng.
Nhấn mạnh tuyến buýt nhanh BRT là tuyến đường đầu tiên trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội, bà Jung Eun Oh tin tưởng rằng, dự án BRT này sẽ đóng vai trò quan trọng sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn khi kết nối với các tuyến đường sắt đô thị trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến BRT khác.
“Dự án đầu tiên nào cũng khó khăn nhưng WB cũng rất vui và tự hào vì tuyến BRT này đã hoàn tất và đi vào hoạt động. Để tuyến buýt nhanh đầu tiên này hoạt động thành công rất cần sự ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, hành lang cho tuyến buýt hoạt động phải an toàn, các Sở, ngành của thành phố cần nghe phản hồi đóng góp của người dân trong quá trình sử dụng để tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ,” vị Trưởng ban giao thông của WB tại Việt Nam khẳng định.
Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt và phê duyệt từ năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh vào các năm 2013 và 2016, trong đó hợp phần xe buýt nhanh BRT với kinh phí 53,6 triệu USD thực hiện đầu tư xây dựng một tuyến xe buýt có dịch vụ chất lượng cao gồm nhiều hạng mục.
Theo ông Vũ Hà, xe buýt nhanh BRT từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân thủ đô. Do đặc thù trục tuyến đường Kim Mã-Yên Nghĩa phương tiện đang rất đông nên phải hạn chế bớt lưu lượng sang tuyến khác là Trần Duy Hưng và Nguyễn Trãi.
“Một bước không thể làm giao thông Hà Nội thông thoáng ngay mà phải dần dần từng bước. Trong điều kiện giao thông hiện nay của Hà Nội thì buýt nhanh sẽ không thể vận hành đầy đủ chức năng như buýt nhanh của thế giới, Hà Nội sẽ làm từng bước để hoàn thiện,” ông Vũ Hà khẳng định.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, xe buýt nhanh được thuận lợi và ưu tiên hơn buýt thường khi xe gần như chạy làn ưu tiên trên suốt tuyến. Liên ngành Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố cũng đã tổ chức xử lý điểm quay đầu, điều chỉnh tín hiệu giao thông, phân làn phương tiện, hạn chế xe cá nhân chạy trong khung giờ cao điểm của tuyến đường… như vậy là đã cố gắng ưu tiên tối đa cho buýt nhanh BRT hoạt động.
Chắc chắn sẽ gây xáo trộn giao thông
Đề cập đến nguyên nhân tuyến buýt nhanh này chậm trễ, bà Jung Eun Oh đưa ra 4 lý do đó là hành lang cho xe buýt BRT thay đổi so với kế hoạch ban đầu nên phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và thiết kế chi tiết; hành lang cho BRT cũng phải điều chỉnh, thay đổi lại; giải pháp xe buýt BRT là giải pháp mới, lần đầu tiên áp dụng ở Hà Nội chưa đủ cơ sở pháp lý, thể chế đầy đủ cho xe vận hành như làn đường riêng nên mất thời gian cho việc vận hành xe buýt; khó khăn về mặt kỹ thuật trong khi lại chưa có kinh nghiệm nên cũng mất nhiều thời gian hơn.
“Không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố trên thế giới khi triển khai BRT lần đầu cũng gặp phải những khó khăn này và cũng bị chậm trễ tương tự. Nếu chúng ta không làm, không có động thái gì mà vẫn tiếp tục để cho phương tiện cá nhân phát triển thì tình trạng tắc nghẽn sẽ trở nên trầm trọng hơn. Đây là cách tiếp cận đúng đắn, giúp cho người dân Hà Nội tiếp cận giao thông công cộng một cách tốt hơn,” bà Jung Eun Oh nhìn nhận.
Bổ sung thêm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, dự án xe buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa của WB tài trợ bằng ODA nên phải thực hiện đấu thầu quốc tế. Trong quá trình triển khai tuyến, trên trục có lượng giao thông lớn, trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông nên một số hạng mục phải ưu tiên cho đường sắt đô thị triển khai trước.
“Mặc dù dự án triển khai chậm, thời gian kéo dài nhưng không vượt tổng mức đầu tư của dự án đã phê duyệt ban đầu. Tuyến Kim Mã-Yên Nghĩa thường xuyên đông đúc, ùn tắc, phương tiện giao thông cá nhân lớn nên phải giải quyết bằng phương tiện công cộng. Trong tương lai, lượng phương tiện cá nhân sẽ giảm đi, khi mà có một phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn,” ông Viện quả quyết.
Trả lời câu hỏi buýt nhanh liệu có nhanh khi hạ tầng làn đường chưa hoàn thiện, lưu lượng phương tiện đông dẫn đến thời gian chạy xe sẽ bị “phá sản,” vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tin tưởng với tiêu chí đặt ra, chắc chắn buýt nhanh BRT sẽ nhanh hơn vì gần như được chạy đường riêng, tiếp cận nhà chờ trực tiếp không phải ra vào đón khách, lái xe không mất thời gian ra vào các điểm, an toàn hơn xe buýt thường.
Theo ông Viện, kinh nghiệm thế giới đã tổng kết, từ buýt thường lên tàu điện ngầm, đường sắt đô thị thì buýt nhanh là phương tiện ưu việt. Sẽ khó khăn trong phương án tổ chức giao thông. Tuy nhiên, liên ngành giao thông và công an thành phố đã có phương án phân luồng tổ chức tại 43 nút giao thông trên toàn tuyến này, từ 25/12 sẽ bắt đầu thực hiện phương án phân luồng mới.
“Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cố gắng hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến các tuyến khác, và sẽ có điều chỉnh khi cần thiết. Chắc chắn sẽ gây xáo trộn bước đầu. Thành phố đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông trong những ngày đầu tổ chức phân luồng giao thông để người dân nắm được và bố trí luồng tuyến di chuyển phù hợp,” ông Viện cho hay./.