Ngày 29/11, nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất khu vực Tây Phi đã chính thức đi vào hoạt động khi Burkina Faso, một trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, khánh thành công trình độc đáo này, tiến tới gia tăng các nguồn năng lượng có thể tái tạo và giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào các nước láng giềng.
Tham dự lễ khánh thành có Tổng thống nước chủ nhà Roch Marc Christian Kabore và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron - nhà lãnh đạo quốc gia hỗ trợ vốn vay cho công trình trên.
Trên diện tích 55 hecta nằm tại Zagtouli, ngoại ô thủ đô Ouagadougou, nhà máy điện này được thiết kế với 129.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời, mỗi tấm tạo ra 260W điện, đảm bảo cung cấp 56 gigawwatt mỗi năm - tương đương 5% sản lượng điện hiện tại - hòa vào lưới điện quốc gia.
Công trình có tổng vốn đầu tư 47,5 triệu euro (56,47 triệu USD), trong đó 25 triệu euro là nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) và 22,5 triệu euro là vốn vay từ cơ quan phát triển của Pháp.
Người giám sát xây dựng Stephane Nosserau cho biết trong 6 tuần qua, nhà máy điện đã được vận hành thử nghiệm và tạo ra 14 MW điện. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất được sản lượng điện ở mức cao nhất 33 MW trong tháng 12 tới khi có đủ ánh nắng Mặt Trời, đủ để đảm bảo lượng điện cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Hiện nay, với việc chỉ đủ khả năng đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng điện trong nước, Chính phủ Burkina Faso phải nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài, trong đó có Côte d'Ivoire. Tuy nhiên, việc duy trì các nguồn cung này đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, công trình nhà máy điện mặt trời nói trên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện - một vấn đề đang cản trở sự phát triển kinh tế của Burkina Faso./.