Buôn bán hàng giả qua thương mại điện tử có xu hướng gia tăng

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm lực lượng này đã phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các trang mạng, wesite Thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh có thể là ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng, cá biệt có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.

Đây là một thực tế được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của lực lượng Quản lý thị trường diễn ra chiều 2/8, tại Hà Nội.

[Hơn 99% hàng hóa của Mumuso Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc]

Nhập nhèm chất lượng

Thông tin về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc công khai chào bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang web thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử... đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Ông cũng tỏ ra lo ngại khi là chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm trên các trang mạng phần nhiều là học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường. Khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

[Shopee nói gì về việc đồ chơi giáo dục có bản đồ đường lưỡi bò?]

"Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm," ông Kiên nói.

Cũng theo đại diện Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng. Chưa kể, hầu hết các giao dịch hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, một số đối tượng lợi dụng các ứng dụng khoa học công nghệ như Facebook, Zalo, YouTube, Twitter, Instagram... để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hoặc đặt in, dán nhãn phụ tiếng Việt vào hàng hóa ngay từ bên kia biên giới để nhập lậu các loại mỹ phẩm, dụng cụ gia đình.

Thậm chí đối với nhóm hàng may mặc sẵn và một số mặt hàng tiêu dùng khác thì nhập lậu nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa và hàng hóa tách rời nhau để đối phó lực lượng chức năng kiểm tra trên đường vận chuyển cho đến khi đưa ra tiêu thụ mới đính, dán, gắn các nhãn hiệu giả mạo để lừa dối người tiêu dùng...

Xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm

Tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, 6 tháng đầu năm lực lượng này đã phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng.

Theo ông Ngọc, dù không còn công khai nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Trong đó, các mặt hàng nóng về buôn lậu như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… Đáng chú ý, khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp và tinh vi, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, thậm chí thiết kế hầm bí mật trên xe để ngụy trang hàng lậu, hàng cấm.

Chỉ ra phương thức, ông Ngọc cho hay, đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, các đầu nậu thường đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ, trong khi hàng hoá có mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra một số bất cập ảnh hưởng đến công tác chống buôn lậu, từ trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hơn nữa là kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trước những vấn đề nêu ra và để xử lý hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ông Ngọc cũng kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành tổng kết Luật xử lý vi phạm hành chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang phát biểu ý kiến tại hội nghị sơ kết của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, dù đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động của Quản lý thị trường vẫn chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Thực tế, trong thị trường nội địa, tình trạng bày bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố.

Do vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị lực lượng Quản lý thị trường đánh giá và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, qua đó xác định những giải pháp cụ thể nhằm triển khai tốt hơn nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ hàng hóa trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục