Tại Hội nghị toàn cầu về phổi đang được tổ chức tại Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên toàn cầu cho biết thế giới đã tiến rất gần tới thành công trong sản xuất một loại vắcxin phòng ngừa bệnh lao (TB) được tạo thành từ protein từ vi khuẩn có thể gây ra phản ứng miễn dịch và đây có thể được coi là “cách mạng hóa” việc ngăn chặn bệnh lao.
Loại vắcxin đang được nghiên cứu phát triển này được kỳ vọng sẽ cung cấp sự bảo vệ lâu dài chống lại TB - căn bệnh truyền nhiễm rất cao gây tử vong với khoảng 1,5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm và loại vắcxin BCG đang sử dụng không thực sự hiệu quả.
Giáo sư David Lewinsohn thuộc Đại học Oregon của Mỹ cho biết loại vắcxin mới được kỳ vọng là “nhân tố thực sự thay đổi cuộc chơi” bởi loại vắcxin đang thử nghiệm có hiệu quả ở những người trưởng thành đã bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh lao Mycobacterium.
Những người được tiêm loại vắcxin mới này đều cải thiện khả năng miễn dịch tự nhiên rõ rệt.
Các nhà nghiên cứu đã thành công trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiến hành trên hơn 3.500 người trưởng thành ở các vùng có nhiều bệnh nhân lao tại Nam Phi, Kenya và Zambia.
[WHO: Lao vẫn là bệnh truyền nhiễm từ một tác nhân gây tử vong hàng đầu]
Giáo sư Lewinsohn cho biết loại vắcxin mới đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm quan trọng và sẽ được đánh giá cả về sự an toàn và thiết lập các chỉ số đánh giá sớm về hiệu quả.
Có thể loại vắcxin này sẽ cần phải được thử nghiệm trong các quần thể bổ sung và cả các thử nghiệm lớn hơn trước khi được cấp phép chính thức.
Dữ liệu thu thập được cho thấy loại vắcxin này có khả năng tạo ra “cách mạng hóa” trong điều trị lao.
Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao, khoảng 7 triệu người được điều trị và chăm sóc, trong khi 3 triệu người chưa hoặc không nhận được chăm sóc y tế.
Số ca tử vong do TB năm 2018 trên toàn cầu vào khoảng 1,5 triệu người, cho thấy bệnh lao vẫn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới xuất phát từ một tác nhân truyền nhiễm duy nhất.
Năm 2018, 8 quốc gia chiếm 2/3 số ca mắc lao toàn cầu gồm Ấn Độ (27%), Trung Quốc (9%), Indonesia (8%), Philippines (6%), Pakistan (6%), Nigeria (4%), Bangladesh (4%) và Nam Phi (3%).
Gần một phần tư dân số thế giới bị nhiễm lao tiềm ẩn, nghĩa là mang vi khuẩn ở dạng không hoạt động, không bị bệnh và không truyền bệnh cho người khác.
Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao thực tế từ 5-10%.
WHO đặt mục tiêu giảm 90% số ca mắc lao mới và số ca tử vong do lao tới 95% trong giai đoạn 2015-2035./.