Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường "giúp bạn là giúp mình"

Đó là những năm tháng không thể bị lãng quên. Không ít phóng viên, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam vừa bước ra từ lửa đạn chiến tranh lại tiếp tục vác balô lên đường với tinh thần “Giúp bạn là giúp mình!
Nhà báo Nguyễn Quốc Uy chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian cùng đoàn chuyên gia TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Gần bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp xây dựng, phát triển hãng Thông tấn Campuchia - Saporamean Kampuchea (SPK) nhưng những ký ức về một thời hào hùng và oanh liệt vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà báo Nguyễn Quốc Uy – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

“Đó là những năm tháng không thể bị lãng quên,” nhà báo Nguyễn Quốc Uy nhấn mạnh. Khi ấy, cả dân tộc Việt Nam mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ với những khó khăn, thiếu thốn chồng chất… Không ít phóng viên, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam vừa bước ra từ lửa đạn chiến tranh lại tiếp tục vác balô lên đường với tinh thần “Giúp bạn là giúp mình!”

[Nhà báo Campuchia Khieu Kola và hồi ức về những người thầy TTXVN]

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy là thành viên đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia trong thời gian từ năm 1980-1985, Trưởng Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia trong thời gian 1991-1995.

- Xin ông cho biết tóm tắt quá trình Thông tấn xã Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Campuchia? Ý nghĩa của việc này đối với quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Campuchia?


Nhà báo Nguyễn Quốc Uy:
Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1978), chế độ Khmer Đỏ đưa quân xâm lược Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam một mặt nhanh chóng triển khai phóng viên tin, ảnh tác nghiệp tại các mặt trận, mặt khác khẩn trương chuẩn bị lực lượng và phương tiện giúp các lực lượng cách mạng Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thành lập một hãng thông tấn phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

Ngay trong nửa cuối năm 1978, ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam khi đó đã lập xong phương án điều động phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý cùng các phương tiện kỹ thuật cần thiết của ngành trên toàn quốc, đồng thời cho triển khai kế hoạch xây dựng các đài thu phát tin, ảnh ở biên giới Tây Nam.

Cuối tháng 12/1978, năm tổ phóng viên được thành lập tại bộ phận thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh,sẵn sàng theo năm cánh quân ra trận trong chiến dịch giải phóng Campuchia.


[Toàn văn tuyên bố chung giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia]

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường "giúp bạn là giúp mình" ảnh 1Ký tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Heng Samrin tới Việt Nam, ngày 22/8/1979. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cùng thời gian này, Thông tấn xã Việt Nam chuẩn bị sẵn một sơ sở thu phát tin đặt tại Cần Thơ với lực lượng kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đủ mạnh cho một hãng thông tấn quốc gia. Một bộ phận quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt là ở phía Nam, chuyển sang chế độ công tác thời chiến.

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia tổ chức lễ ra mắt tại Snuol (tỉnh Kratie). Ngay ngày hôm sau, nhiều nơi trên thế giới nhận được tin, ảnh về sự kiện này (do Thông tấn xã SPKlần đầu tiên xuất hiện trên làn sóng điện phát đi).

Đó là những tin tức chính thức đầu tiên về những bước ngoặt của cách mạng Campuchia. Ngày 3/12/1978 được lấy làm ngày thành lập SPK, hãng thông tấn gắn liền với sự ra đời của tổ chức cách mạng mang tên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia. Từ đó, tin tức về những thắng lợi của cách mạng Campuchia được truyền đi kịp thời.

Một hãng thông tấn muốn hoạt động được (dẫu là sơ khai) thì tối thiểu phải có hai yêu tố: nhân lực (phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật) và thiết bị kỹ thuật (phục vụ việc thu phát tin, ảnh).

[Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia]

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia thiếu cả hai yếu tố trên. Bởi vậy, toàn bộ hoạt động giai đoạn đầu của SPK đều do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam mặc quân phục của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, tác nghiệp với danh nghĩa phóng viên SPK. Tin, ảnh của SPKtuy có xuất xứ từ “vùng giải phóng Campuchia” nhưng đều được bí mật phát đi từ đài phát tin Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) của Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 25/12/1978, năm tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (với danh nghĩa phóng viên SPK) được cử đi theo quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia trong chiến dịch giải phóng Campuchia.

Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Ngay sau đó, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa cán bộ và phương tiện kỹ thuật sang Campuchia, giúp xây dựng SPK về mọi mặt.

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường "giúp bạn là giúp mình" ảnh 2Đoàn kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam sang giúp Campuchia năm 1979. (Ảnh tư liệu do chuyên gia Đỗ Sỹ Mến cung cấp)

Trong 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế (1979-1989), Thông tấn xã Việt Nam đã cử gần 200 phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật cùng hàng trăm tấn thiết bị vật tư, máy móc… sang Campuchia. Thông tấn xã Việt Nam đã nỗ lực hết mình để giúp xây dựng SPK thành một hãng thông tấn quốc gia đủ mạnh.

Trong thời gian này, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam luôn tận tụy hết mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân nước bạn.

Thực tiễn này đã góp phần cụ thể vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai hãng thông tấn nói riêng và giữa hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung.

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường "giúp bạn là giúp mình" ảnh 3Nhóm các chuyên gia kỹ thuật TTXVN và hai chiến sĩ trinh sát đóng bên ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Chuyên gia TTXVN Trương Việt Cường cung cấp)

- Với tư cách là một nhà báo từng có gần 10 năm hoạt động tại Campuchia, ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa hai hãng thông tấn của hai nước?


Nhà báo Nguyễn Quốc Uy:
Có thể nói, mô hình hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam với hãng thông tấn của Lào và Campuchia là hiếm có trong quan hệ hợp tác thông tấn quốc tế. Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc hai bên hoàn toàn tin cậy nhau, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, cùng vì một mục tiêu chung - góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Từ sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ cho đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố và ngày càng được tăng cường. Đó vừa là nền tảng vừa là yêu cầu đặt ra để hai hãng thông tấn của hai nước tiếp tục hợp tác, cùng phát triển.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, hai thông tấn xã cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong việc phối hợp thông tin.


[Chuyện về những vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia]

- Câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất trong suốt quãng thời gian gần 10 năm sống và làm việc tại Campuchia, thưa nhà báo?


Nhà báo Nguyễn Quốc Uy:
Trong gần 10 năm làm báo ở Campuchia, tôi có dịp được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những hố chôn tập thể với những đống xương người chất cao hàng mét.

Điều tôi cảm nhận rõ nhất chính là nỗi sợ hãi tột cùng của người dân “xứ sở chùa tháp” khi nhắc đến chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi tin rằng, sau gần 40 năm, những người từng chứng kiến sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ vẫn sẽ rùng mình khi nhớ lại hình ảnh những cánh đồng chết.

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường "giúp bạn là giúp mình" ảnh 4Nhà báo Nguyễn Quốc Uy. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Theo ông, thế hệ trẻ hôm nay của hai hãng thông tấn cần làm gì để phát huy hiệu quả hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai hãng thông tấn?


Nhà báo Nguyễn Quốc Uy:
Số phận đã gắn kết Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng kề sát bên nhau, có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán. Quan hệ hai nước đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Theo tôi, để những thảm kịch lịch sử không lặp lại, thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm “nắm chặt tay nhau” cùng vun đắp cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.


- Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục