Đánh giá về việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ-công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), các chuyên gia cho rằng đây là bước phát triển mới của thị trường chứng khoán, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, thực tế trên thế giới cũng chỉ tập trung vào một Sở Giao dịch Chứng khoán.
Chúng ta cũng đã đặt vấn đề thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam từ lâu, nhưng do yếu tố mô hình tổ chức và việc hình thành ra tổ chức mới cần phù hợp với tình hình thị trường nên việc này đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dù vậy, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhất thiết phải có một sở chứng khoán của Việt Nam, đúng với thông lệ quốc tế đồng thời cũng phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
[Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán theo mô hình công ty mẹ-con]
Việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tạo niềm tin và cũng là niềm vui cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các công ty niêm yết trên 2 sàn vì nếu chúng ta có được một sở chung thì sự thống nhất quản lý sẽ đem đến việc không còn ách tắc trong quá trình điều hành.
Ông Kỳ cũng cho biết, thời gian qua lượng thanh khoản vào thị trường tăng trưởng đột biến, khiến hệ thống giao dịch gặp sự cố. Đây cũng là một điều đáng báo động, vì vậy phải thay đổi hệ thống công nghệ để phù hợp với tình hình thị trường.
Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có chỉ đạo rất sát sao về việc này. Sắp tới, việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ giúp có sự tăng cường phối hợp và thống nhất hệ thống giao dịch thì tình hình hy vọng sẽ được cải thiện.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, năm 2021, hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động sẽ giúp thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về.
Khi hệ thống này được vận hành, theo ông Dũng sẽ có điều kiện cho việc thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Toàn bộ cổ phiếu niêm yết sẽ được chuyển vào giao dịch tại sàn Thành phố Hồ Chí Minh, còn sàn Hà Nội sẽ chuyên về thị trường phái sinh và trái phiếu.
Thông tin về việc tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán ông Nguyễn Thành Long cho biết, việc triển khai tái cấu trúc đang được các cơ quan tích cực thực hiện, thứ nhất là về lộ trình sản phẩm và phân định thị trường.
Ông Long cho biết, các công việc đang được các cơ quan tích cực triển khai theo đúng quyết định Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo ngành chứng khoán đẩy nhanh việc cơ cấu lại Thị trường Chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
Ông cũng yêu cầu ngành chứng khoán đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là tất yếu - tất cả quy về một mối tết kiệm nguồn lực, tiết giảm thủ tục hành chính, chi phí vận hành, đường truyền. Đây là một bước phát triển mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Khánh cũng cho rằng chúng ta cũng cần chuyên môn hóa tách bạch sự quản lý đối với mỗi mảng hoạt động Trái phiếu, sản phẩm phái sinh hay thị trường cổ phiếu. Điều thuận lợi đó là sự chuyên môn hóa, hoạt động quản lý tập trung ở những thị trường ngược lại khó khăn đến từ sự phối hợp, quản lý, kiểm soát đồng bộ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có nhiệm vụ chính là xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch.
Theo quyết định, HNX có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.
HoSE sẽ tổ chức, vận hành hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật. Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 20/2/2021./.