Bước đột phá trong điều trị lao kháng thuốc, tỷ lệ thành công 82%

Theo kết quả công trình nghiên cứu mới đây của Bỉ và Italy, một biện pháp điều trị mới cho các bệnh nhân lao kháng thuốc với tỷ lệ thành công đạt tới 82%, đang mang lại nhiều hy vọng.
Bước đột phá trong điều trị lao kháng thuốc, tỷ lệ thành công 82% ảnh 1(Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Một biện pháp điều trị mới cho các bệnh nhân lao kháng thuốc với tỷ lệ thành công đạt tới 82%, đang được coi là "bước đột phá" mang lại nhiều hy vọng.

Kết quả công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Hiệp hội quốc tế chống lao và bệnh phổi cùng với Viện Y học nhiệt đới ở Antwerp (Bỉ), Viện khoa học San Raffael ở Milan (Italy) và các nhà nghiên cứu địa phương tiến hành và công bố ngày 26/10 tại một hội nghị quốc tế ở Liverpool, Anh, cho thấy các bệnh nhân tại 9 nước châu Phi đáp ứng rất tốt với quá trình điều trị trong 9 tháng.

Nghiên cứu trên được thực hiện với các bệnh nhân lao tại Benin, Burkina Faso, Rurundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Niger và Rwanda.

Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân được cho sử dụng tất cả 7 loại thuốc, trong đó 3 loại chỉ dùng trong 4 tháng đầu, 4 loại thuốc khác; trong đó có một loại trước kia được dùng để điều trị bệnh phong, được sử dụng trong suốt 9 tháng điều trị.

Một trong các loại thuốc điều trị lao kháng thuốc, Isoniazid, được cho dùng với liều lượng cao gấp đôi so với liều lượng thông thường được sử dụng để điều trị lao không kháng thuốc.

Trong số 1.006 bệnh nhân tham gia cuộc nghiên cứu, tất cả đều kháng loại thuốc điều trị lao rifampicin, 734 bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn và 87 trường hợp khác bắt đầu có hiệu quả. Trong số các bệnh nhân còn lại, 54 người không đáp ứng với điều trị, 49 người không tiếp tục điều trị và 82 người tử vong.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm ngoái, trên thế giới có 10,4 triệu người nhiễm lao và 1,8 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Gần nửa triệu người được chẩn đoán mắc lao kháng đa thuốc (MDR-TB), trong đó khoảng một nửa số bệnh nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Trong 15 năm qua, số người chết vì bệnh lao đã giảm 22%, tuy nhiên căn bệnh này vẫn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới trong năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục