30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Kỳ vọng 3 trụ cột đột phá chiến lược

Bước đột phá sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Bài cuối

Ba trụ cột được kỳ vọng là dấu ấn mở đầu quan trọng cho chặng đường mới, đánh dấu bước phát triển về chất, từ đó sẽ đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Bước đột phá sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Bài cuối ảnh 1Công nghiệp năng lượng là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/Vietnam+)

Với những thành tựu nổi bật qua 30 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận xác định những lĩnh vực trụ cột để làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn mới của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định tập trung phát triển ba trụ cột là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ba trụ cột này được kỳ vọng là dấu ấn mở đầu quan trọng cho chặng đường mới, đánh dấu bước phát triển về chất, từ đó sẽ đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm năng lượng quốc gia

Với lợi thế 192km đường bờ biển dài và nắng gió quanh năm nên Bình Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất trong cả nước; số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện Mặt Trời.

Từ những lợi thế đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW, ngày 28/11/2013 xác định Bình Thuận là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015-2020) đã đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng và tích cực triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2020-2025) khẳng định công nghiệp năng lượng là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh.

[30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển]

Để phát triển năng lượng bền vững và đúng hướng, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 216-KH/TU về định hướng phát triển năng lượng điện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, công suất cực đại đạt 1.210MW, điện thương phẩm đạt 5 tỷ kWh; năm 2030, công suất cực đại đạt 1.621MW, điện thương phẩm đạt 7,5 tỷ kWh. Đến năm 2035, đạt công suất cực đại 2.186MW, điện thương phẩm đạt 10,9 tỷ kWh.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận dự kiến phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện, bao gồm điện than, điện khí LNG, điện gió, điện Mặt Trời... đến năm 2025 đạt khoảng 13,85GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh.

Năm 2030, đạt khoảng 22,6GW, sản lượng điện đạt khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3GW, sản lượng điện đạt khoảng 164 tỷ kWh.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, khẳng định đối với công nghiệp, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, nhưng tập trung vào những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, như điện Mặt Trời, điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi) và điện khí hóa lỏng LNG.

Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về bức xạ Mặt Trời và năng lượng gió nên cần phải phát huy tối đa tiềm năng này, biến tiềm năng tự nhiên thành nguồn lực cho sự phát triển.

Để khai thác các lợi thế và tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bổ sung và phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, gồm tám dự án điện gió ngoài khơi; Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà; Dự án thủy điện tích năng tại huyện Bắc Bình; cập nhật 14 dự án điện gió trên đất liền, 62 dự án điện Mặt Trời...

Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị xem xét bổ sung vào quy hoạch điện lực Quốc gia các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp 500kV, 220kV, triển khai đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất và phát huy hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Việc xem xét đưa các dự án điện nêu trên vào Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo tính đột phá, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí và kinh tế-xã hội của địa phương; phát huy hiệu quả hệ thống truyền tải 500kV từ tỉnh Bình Thuận về tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tỉnh sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để xem xét điều chỉnh các quy hoạch và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế gắn kết với phát triển các lợi thế của địa phương nhằm xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Du lịch sẽ là điểm đến hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Để tiếp tục đưa du lịch Bình Thuận phát triển trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết Số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bước đột phá sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Bài cuối ảnh 2Trẻ em hào hứng tham gia các trò chơi trên cát tại khu du lịch The Cliff Resort, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (nh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Với những thành tựu du lịch đã được từng bước xây dụng vững chắc trong những năm qua, Bình Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ngành du lịch đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 10-12%.

Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm.

Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10-11%. Giai đoạn đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12-13%.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết từ năm 1995 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã ban hành 5 Nghị quyết về phát triển du lịch, điều đó cho thấy du lịch là một trong những ngành có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng đã xác định du lịch là một trong ba trụ cột của ngành kinh tế tỉnh nhà. Vì vậy, đối với du lịch trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm nâng cao sức hẫn dẫn, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, thương hiệu đã tạo dựng bấy lâu nay, tỉnh sẽ xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành khu du dịch quốc gia, có đẳng cấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, làm hạt nhân lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ là có cơ sở, vì Bình Thuận hiện đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy du lịch vươn lên xứng tầm. Đó là tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh), Cảng hàng không Phan Thiết sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, điểm "nghẽn" về chồng lấn quy hoạch khai thác titan với quy hoạch du lịch cũng được tháo gỡ...

Bên cạnh đó, nhiệm vụ và giải pháp đề ra nhằm tập trung phát triển du lịch Bình Thuận trong 10 năm tới cũng có một số điểm mới so các giai đoạn trước đây, như xây dựng chuỗi đô thị du lịch ven biển đồng bộ, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch Bình Thuận và làm điểm nhấn thu hút đông đảo khách nội địa lẫn quốc tế...

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn mới, bên cạnh những giải pháp về phát triển đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện... việc hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm.

Bình Thuận tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Bình Thuận-Thành phố Hồ Chí Minh-Lâm Đồng với sản phẩm liên kết “Chợ Sài Gòn-Hoa Đà Lạt-Biển Mũi Né.”

Đồng thời chủ động tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhằm nối tour khách quốc tế đến Bình Thuận từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thu hút khách nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số, nhất là các kênh truyền thông uy tín trong nước và quốc tế.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức đón các đoàn khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, vận dụng các trang mạng xã hội có sức lan truyền mạnh để quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến du lịch Bình Thuận.

Kỳ vọng trụ cột nông nghiệp công nghệ cao

Với những thành tựu nổi bật về thủy lợi qua quá trình phát triển, Bình Thuận đã cơ bản giải quyết tốt bài toán hạn hán, những công trình thủy lợi đã đáp ứng nhu cầu nguồn nước cho phát triển nông nghiệp.

Do đó, định hướng của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới là ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành một trong ba trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh...

Bước đột phá sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Bài cuối ảnh 3Chăm sóc thanh long Bình Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)

Xác định tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về Phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao. Theo đó, chủ trương của tỉnh là cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực.

Tập trung cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cây ăn trái được ưa chuộng trên thị trường, hạn chế phát triển quá lớn diện tích cây thanh long. Khuyến khích phát triển dược liệu, phấn đấu đưa dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình với tổng diện tích hơn 2.000ha.

Mục tiêu của khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao... phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tỉnh Bình Thuận.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai (diện tích đất nông nghiệp hơn 356.700ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên), tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch...), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.

Tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt từ 6-7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP, GlobalGAP...

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận ban hành nhiều chính sách ưu đãi như tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; khuyến khích các liên liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản...

Theo đánh giá của các chuyên gia về nông nghiệp, kinh tế thế giới đang dịch chuyển manh mẽ theo hướng “xanh” và “thông minh,” với việc định hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bình Thuận hứa hẹn sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch, phát triển nhanh và không gây tổn hại đến môi trường.

Từ những chủ trương, chính sách đúng và những định hướng có trọng tâm, trọng điểm, Bình Thuận đang vững bước tương lai với khát vọng và niềm tin thắng lợi tuyệt đối.

Sự thống nhất đó là điều kiện tiên quyết tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết; góp phần tạo động lực to lớn để tỉnh Bình Thuận tiếp tục vươn lên phát triển hơn nữa trong những năm tới, khẳng định vị trí, vai trò là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam bộ - một trong những khu vực phát triển năng động nhất hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục