Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa tiến hành cuộc cải tổ nội các và bổ nhiệm ông Heng Swee Keat làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đây được xem là bước đi mang tính quyết định trong tiến trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Singapore, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc tổng tuyển cử tại nước này có thể sẽ được tiến hành sớm hơn dự kiến.
Liên quan đến vấn đề này, báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 25/4 đăng bài bình luận với nội dung như sau.
Theo quyết định cải tổ nội các được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long công bố ngày 23/4 vừa qua, các ông Teo Chee Hean và Tharman Shanmugaratnam bắt đầu từ ngày 1/5 sẽ rời khỏi cương vị Phó thủ tướng để chuyển sang làm công việc khác.
Theo đó, ông Heng Swee Keat cùng với sự thăng tiến của mình sẽ trở thành Phó thủ tướng duy nhất của Singapore kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời tiếp tục lãnh đạo Ủy ban kinh tế tương lai, Quỹ nghiên cứu quốc gia và làm Quyền thủ tướng khi ông Lý Hiển Long vắng mặt.
Mặc dù giới phân tích và dư luận nói chung đều sớm có đáp án, nhưng quyết định cải tổ nội các kể trên của ông Lý Hiển Long vẫn được coi là bước đi mang tính quyết định trong tiến trình chuyển giao quyền lực, đồng thời khẳng định một cách rõ ràng rằng ông Heng Swee Keat sẽ là người kế nhiệm để trở thành Thủ tướng tiếp theo của Singapore.
Trước đó, việc ông Heng Swee Keat tháng 11/2018 được bầu làm Trợ lý thứ nhất của Tổng thư ký Đảng Hành động nhân dân (PAP) cũng là động thái gián tiếp khẳng định ông này sẽ là người đứng đầu đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 4 của Singapore.
Ông Heng Swee Keat (57 tuổi) là người có tuổi đời lớn nhất trong số các nhân vật chủ chốt của thế hệ lãnh đạo thứ 4.
Mặc dù quá trình tham gia công tác không dài nhưng ông Heng Swee Keat lại là người có rất nhiều kinh nghiệm công tác trên chính trường. Sau cuộc bầu cử năm 2011, ông Heng Swee Keat mới chính thức bước chân vào chính trường, lần lượt đảm nhiệm các cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[Ông Heng Swee Keat được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Singapore]
Trước đó, từ năm 1997-2000, ông làm Thư ký riêng cho cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu; từ năm 2005-2011 đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục quản lý tiền tệ.
Trên phương diện khác liên quan, mặc dù ông Teo Chee Hean (64 tuổi) và ông Tharman Shanmugaratnam (62 tuổi) không tiếp tục giữ cương vị Phó Thủ tướng nữa, nhưng vẫn tham gia chính trường, đóng vai trò cố vấn cho các lãnh đạo trẻ.
Với tài năng, phong thái và kinh nghiệm phong phú trên diễn đàn quốc tế của mình, các ông Teo Chee Hean và Tharman Shanmugaratnam sẽ là những người đưa ra các ý kiến quý báu, góp phần nhanh chóng ổn định bộ máy lãnh đạo mới, tiếp tục đưa đất nước Singapore phát triển.
Đáng chú ý, ông Teo Chee Hean sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia, đồng thời sớm khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tham gia ứng cử nghị sỹ quốc hội trong cuộc bầu cử tới đây.
Đây được cho là thông điệp gửi đến các thế hệ lãnh đạo lão thành không nên đồng loạt rời khỏi chính trường.
Về phần ông Tharman Shanmugaratnam, ông này sau khi rời khỏi cương vị Phó thủ tướng cũng sẽ không phụ trách công tác điều phối chính sách kinh tế, chuyển sang làm Bộ trưởng Điều phối chính sách xã hội.
Chênh lệnh giàu nghèo khiến cho xã hội đang ngày càng bị phân hóa. Mặc dù chính phủ Singapore luôn quan tâm, chú trọng giải quyết trong suốt những năm vừa qua, nhưng đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến rất nhiều các bộ ngành, không thể giải quyết dứt điểm trong “một sớm một chiều” mà cần phải có các giải pháp mang tính ổn định và lâu dài.
Do vậy, ông Tharman Shanmugaratnam sẽ là người rất phù hợp với trọng trách Bộ trưởng điều phối các chính sách xã hội.
Ngoài ra, công việc quản lý kinh tế với đặc thù đòi hỏi sự mạnh dạn, quyết đoán và bản lĩnh hơn, nên phó thác cho các bộ trưởng tài chính, thương mại và công nghiệp.
Tờ Liên hợp buổi sáng nhấn mạnh cuộc bầu cử tới đây sẽ là thách thức to lớn và khó khăn nhất đối với thành viên thế hệ lãnh đạo thứ tư tại Singapore.
PAP đã xác định rõ ràng một đội ngũ các lãnh đạo kế cận và việc làm thế nào để giành được sự tín nhiệm của các cử tri đang là trọng trách của họ.
Việc chuyển giao lãnh đạo diễn ra thuận lợi không chỉ tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị mà còn chứng tỏ uy tín và trách nhiệm của Singapore với cộng đồng quốc tế.
Singapore sẽ vẫn tiếp tục là địa bàn lý tưởng để các tổ chức, công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đặt đại bản doanh, xúc tiến các hoạt động đầu tư lâu dài tại khu vực.
Chủ nghĩa khủng bố ngày càng tràn lan và khó ngăn chặn, một quốc gia có chế độ chính trị an toàn, ổn định, cùng với bộ máy chính quyền có hiệu suất làm việc cao sẽ khiến cho dân chúng yên tâm, cộng đồng quốc tế tin tưởng.
Thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore lên nắm quyền điều hành đất nước trong bối cảnh môi trường quốc tế mất ổn định nghiêm trọng và nền kinh tế vẫn trong thời kỳ ảm đạm.
Do đó, họ sẽ buộc phải trung thành với các nguyên tắc đã mang lại thành công cho Singapore, đồng thời nỗ lực phát huy tài năng và sức sáng tạo của bản thân.
Bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân, ý nghĩa chiến lược to lớn lý giải cho việc ông Heng Swee Keat vẫn tiếp tục giữ các cương vị lãnh đạo của Ủy ban kinh tế tương lai và Quỹ nghiên cứu quốc gia.
Chặng đường chuyển đổi mô hình kinh tế của Singapore vẫn còn dài và ông Heng Swee Keat sẽ vẫn phải tiếp tục kiên trì với các chính sách của mình để không ngừng tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế.
Ngoài ra, giống như các chính phủ trước đây, thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore sẽ phải tiếp tục củng cố sự tín nhiệm của người dân, tăng cường sự đoàn kết, ổn định và hài hòa trong xã hội, vì đây luôn là nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.