Với thị trường được định giá 170 tỷ USD và dự báo tăng trưởng 10% trong vòng 5 năm tới, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang là đích ngắm trong kế hoạch mở rộng chân rết của các nhà đầu tư.
Sức nóng của thị trường ngày càng khốc liệt hơn bởi các đối thủ nặng ký đến từ nước ngoài đang gia nhập mạnh mẽ.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nội phải thích nghi và thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như nắm bắt cơ hội bứt phá.
Đặc biệt, sự bắt tay "win-win" giữa nhà cung cấp và nhà phân phối được coi là một trong những mấu chốt rất quan trọng để ngành bán lẻ phát triển bền vững.
Là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, lĩnh vực bán lẻ trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong lúc dịch COVID-19 bùng phát cũng như thời điểm được đẩy lùi, lĩnh vực bán lẻ luôn khẳng định vai trò điều tiết thị trường và đảm bảo nguồn cung thông suốt.
[Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên "bản đồ" thị phần bán lẻ]
Tuy nhiên, trước bối cảnh nhiều tập đoàn bán lẻ lớn liên tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn.
Thế nhưng, điều này cũng đang ra tạo sức ép lớn cho các nhà bán lẻ nội địa.
Câu chuyện tinh gọn
Mặc dù đây là thời điểm vàng để ngành bán lẻ phục hồi và phát triển bởi dịch COVID-19 đã được đẩy lùi nhưng gần đây hệ thống Bách Hóa Xanh thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) treo biển xả kho, đóng cửa; trong đó, có khá nhiều cửa hàng chỉ mới khai trương cuối năm 2021.
Đáng lưu ý, các cửa hàng dừng hoạt động nằm chủ yếu trong chuỗi Bách Hóa Xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với tham vọng lấn sân sáng tất các phân khúc bán lẻ từ hạng sang cho đến giá rẻ vỉa hè nên hàng nghìn cửa hàng được mở.
Tuy nhiên, động thái đóng cửa được các chuyên gia cho biết đã nằm trong lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành cho Bách Hóa Xanh, được MWG đưa ra trong báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022.
Thế nhưng, việc đóng cửa hàng loạt các cửa hàng đang tạo nhiều dư luận trái chiều và những nghi ngờ về tính hiệu quả trong thời gian bùng nổ nhanh tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh và một số thương hiệu khác thuộc sở hữu của MWG quản lý.
Không thuộc diện đóng cửa nhưng thời gian này một số doanh nghiệp bán lẻ khác lại rơi vào thế bế tắc vì vắng khách. Do đó, thay vì mở rộng thị phần như mong đợi, các doanh nghiệp này đang xây dựng kế hoạch chỉn chu hơn nhằm giành lại khách hàng.
Lý giải cho nguyên nhân nhiều cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ lâm vào tình trạng kinh khó khăn, theo các chuyên gia việc này do doanh nghiệp chưa có chiến lược trong lựa chọn phân khúc khách hàng, chủng loại cũng như chất lượng hàng hóa, giá cả hay phương thức kinh doanh... nên khó giữ chân người dùng.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhấn mạnh cùng với các ngành nghề khác, lĩnh vực bán lẻ đã có những bước chuyển mình. Nhiều nhà bán lẻ đã cố gắng hoạt động tự chủ, vươn lên mở rộng hoặc hợp tác mở rộng mạng lưới kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp bán lẻ đầu tư nước ngoài (FDI) không trụ vững được, việc phải tính đến đường rút lui là chuyện bình thường của cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, ở một góc khác, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa.
Đối mặt thách thức
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kết thúc 7 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tổng mức bán lẻ 7 tháng đạt hơn 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng vẫn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng như sự quan tâm đầu tư, chuyển nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Bên cạnh đó là sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Thời gian qua, thu nhập của 1 bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm đáng kể sau dịch cùng với sự thay đổi thói quen cũng như xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã đặt ra thách thức đối với các nhà bán lẻ muốn trụ vững trên thị trường.
Các nhà bán lẻ cần thực hiện tái cơ cấu các điểm bán theo hướng gia tăng tiện ích và trải nghiệm tối đa cho khách hàng.
Tập đoàn Massan đã tích hợp thành công mô hình kinh doanh độc đáo giữa Vinmart+ và Phúc Long, Techcombank hay hệ thống Phano Pharmacity để tối ưu hóa tiêu dùng cho người dân.
Ngoài ra, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng tập trung xây dựng bộ sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng tại thành thị. Điều này nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho chuỗi bán lẻ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ.
Chính vì vậy, một số doanh nghiệp bán lẻ đã tạm ngưng mở mới và giảm bớt một số điểm bán để tập trung cải thiện quản trị, tăng thêm trải nghiệm và giá trị cho khách hàng.
Khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đối với doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ, có gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.
Cụ thể như Bách Hóa Xanh đã đăng ký là điểm kinh doanh thuộc Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG), nếu như năm 2021 là 2.106 cửa hàng thị hiện nay tổng số cửa hàng tại 25 tỉnh từ Khánh Hòa vào tới Cà Mau là 1.824 cửa hàng.
Cùng đó, hệ thống Co.op Food thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), còn 391 cửa hàng, giảm 136 cửa hàng so với năm 2021 là 527 cửa hàng hay Hapro Food/BRGmart và BRG Inter-shop thuộc Hapro đến nay có 46 Hapro Food/BRGmart giảm 9 cửa hàng so với năm 2021 là 55 cửa hàng.
Không dừng thế, tại hệ thống phân phối hiện đại, các tiểu thương tại chợ truyền thống đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi sức mua giảm nhiều, chi phí tăng cao.
Cũng theo lý giải từ Vụ Thị trường trong nước, hoạt động lưu thông hàng hóa, chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm còn nhiều tầng, nấc.
Hơn nữa, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động thương mại còn chậm; trật tự thương mại nhiều nơi chưa bảo đảm, việc kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng ngày càng tinh vi.
Mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển không đều ở các địa phương, tại nhiều khu vực nông thôn, hệ thống chợ chưa được xây dựng, nâng cấp, trong khi tại một số đô thị thương mại hiện đại còn chưa phát triển.
Ngoài ra, hệ thống kho bãi chưa được xây dựng đồng bộ với sản xuất, làm giảm khả năng điều tiết thị trường của Nhà nước; giá cả hàng hóa lưu thông trong nước vẫn tồn tại sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền do chi phí logistics cao và qua nhiều tầng nấc trung gian.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng thẳng thắn chỉ ra rằng bên cạnh những tồn tại, hạn chế trong nước, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn.
Đáng lưu ý, việc hạ thấp hàng rào thuế quan làm sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng cuối cùng ngày càng gia tăng, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối trong nước.
Quan trọng hơn, cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ ngày càng khốc liệt do Việt Nam đã cam kết mở cửa các thị trường này./.
Bài cuối: Chính sách nào để nối mạch tăng trưởng