Bước chuyển mạnh sang sản xuất càphê bền vững, giá trị cao hơn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu năm 2011 khối lượng càphê có chứng chỉ bền vững chỉ chiếm khoảng 10%, nay đã đạt từ 40-50%.
Thu hoạch càphê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Càphê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với gần 1,8 triệu tấn, mang lại giá trị trên 4 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, sản xuất càphê cũng phát thải lượng carbon lớn, bởi phương thức canh tác kém bền vững khi lạm dụng vật tư đầu vào như phân bón hóa học, hoá chất nông nghiệp, nước tưới, năng lượng...

Trước biến đổi của khí hậu, xu hướng tiêu dùng đòi hỏi ngành hàng càphê phải có những bước đi mạnh mẽ để sản xuất bền vững hơn, mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân.

Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến ngành hàng càphê toàn cầu cũng như các vùng nguyên liệu của Việt Nam. Các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt các yêu cầu nhập khẩu đối với mặt hàng càphê với các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính.

Các tập đoàn thương mại càphê lớn như Nestle, JDE Pee’ts đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chiến lược thu mua cà phê được sản xuất bền vững, điều chỉnh quy trình mua hàng, tiến tới chuỗi cung ứng không phát thải. Điều này thôi thúc các nước sản xuất cà phê trên thế giới; trong đó có Việt Nam phải sản xuất làm sao để giảm phát thải.

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, cho biết càphê Việt Nam đang bớt yếu điểm nhờ đã chuyển sang chất lượng thay vì khối lượng. Công ty Simexco Đắk Lắk cũng tiên phong trong phát triển càphê đặc sản.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu càphê cũng cho rằng phát triển cà phê đặc sản là sự thay đổi trong sản xuất càphê từ truyền thống sang trách nhiệm. Trách nhiệm đòi hỏi người sản xuất phải đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng - nhà nhập khẩu.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nếu năm 2011 khối lượng càphê có chứng chỉ bền vững chỉ chiếm khoảng 10%, nay đã đạt từ 40-50%.

Kết quả trên có được bởi những nỗ lực trong nhiều năm qua ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành cà phê cùng với sự hỗ trợ của các đối tác. Điển hình là những hợp tác công tư (PPP) đã cho thấy có thể giảm được carbon rất nhiều trong sản xuất càphê, cây ăn quả ở khu vực Tây Nguyên.

Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á Chương trình Cảnh quan bền vững, Tổ thức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn, phát thải thấp, không phá rừng, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân là giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU.

[Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột: Điểm đến của càphê thế giới]

Nhằm hỗ trợ Tây Nguyên giải quyết các thách thức trên, từ năm 2014, Tổ chức IDH triển khai hai chương trình trọng điểm tại Việt Nam là Chương trình Cảnh quan và Chương trình Càphê.

Đồng thời, lồng ghép nguồn lực từ dự án Hồ tiêu do Liên minh châu Âu tài trợ để xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn bền vững cho các nông sản chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu và trái cây tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Với sự huy động nguồn lực và sự tham gia từ khối công tư (PPP) và các nhà tài trợ quốc tế, các chương trình đã xây dựng hệ thống quản trị vùng nguyên liệu, thiết kế và triển khai các mô hình kinh doanh.

Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao tính bền vững, khả năng chống chịu của các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng đối với biến động giá và biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và rừng, nâng cao thu nhập nông hộ thông qua nông nghiệp tái sinh, thuận tự nhiên, chú trọng nông lâm kết hợp và tối ưu hóa sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Qua gần một thập kỷ đó, Tổ chức IDH nỗ lực cùng các đối tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên và các công ty cà phê đã triển khai thử nghiệm cách tiếp cận cảnh quan và thực hành sản xuất càphê bền vững đã xây dựng gần 100.000 ha vùng nguyên liệu càphê và hồ tiêu.

Các bên đã cùng thiết kế, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn phát thải thấp, triển khai các giải pháp sản xuất, thu mua bền vững các sản phẩm càphê áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan, nông nghiệp tái sinh, gia tăng diện tích cây trồng xen, sử dụng có trách nhiệm vật tư đầu vào, tài nguyên đất và nước. Qua đó từng bước cắt giảm phát thải, gia tăng khả năng lưu trữ carbon của các vùng sản xuất cây công nghiệp tại Tây Nguyên.

Kết quả cho thấy các cách làm đã giúp giảm phát thải 60% và tăng 15% thu nhập cho 15.000 hộ sản xuất càphê và hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên.

Thu hoạch càphê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tiếp tục hỗ trợ Tây Nguyên, Tổ chức IDH sẽ phối hợp cùng các đơn vị và nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đến năm 2025 sẽ tiếp cận hơn 31.000ha canh tác cà phê, hồ tiêu và trái cây và hơn 48.000 nông dân sẽ được nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, tiếp thu và thực hành các biện pháp sản xuất bền vững. Từ đó, cải thiện điều kiện vườn trồng, bảo tồn tài nguyên đất và nước, cải thiện thu nhập.

Với những cải thiện trong lạm dụng các hóa chất nông nghiệp và đa dạng hóa hệ thống canh tác sẽ cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm sức ép lên tài nguyên đất và nước. Từ đó từng bước giảm phát thải trong các hoạt động sản xuất của người dân.

Cùng với đó, Tổ chức IDH ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hình thành các mô hình kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và chia sẻ lợi ích cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình nhằm nhân rộng quy mô đầu tư, thực hành giảm phát thải.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nền kinh tế toàn cầu mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở Việt Nam đã lâu nên việc hướng tới sự phát triển bền vững vẫn có những điểm nghẽn. Việt Nam đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng... góp phần giải quyết những manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng.

“Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục