Bước chân thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Dù mưa gió hay nắng gắt cũng không thể làm chùn bước những người lính nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình tuần tra trên các tuyến biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc và phòng chống COVID-19.
Chiến sỹ Đồn Biên phòng Lộc An (Bình Phước) tuần tra khu vực cột mốc 66 biên giới Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ăn rừng, ngủ lán, hành quân trên những địa hình hiểm trở, khó khăn. Dù mưa gió hay nắng gắt cũng không thể làm chùn bước những người lính nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình tuần tra trên các tuyến biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc và phòng chống dịch COVID-19.

Họ là những người lính mang quân hàm xanh, những người lính biên phòng trên các chốt canh vùng biên giới.

Lán là nhà, rừng là đơn vị, biên thùy là Tổ quốc

15 giờ ngày 29/7/2020, khi cái nắng như thiêu như đốt tại khu vực cột mốc số 66, biên giới Việt Nam-Campuchia, Tổ tuần tra biên giới và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thuộc Đồn Biên phòng Lộc An (Bình Phước) phát hiện 3 người đang di chuyển gần khu vực cột mốc.

Ngay lập tức, Trung úy Lê Danh Quân cùng tổ tuần tra gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng và dân quân địa phương chốt chặn kiểm tra.

“Chúng tôi là người dân địa phương, đang định đến khu vực sông Măng giáp ranh với biên giới để thả lưới đánh cá,” một người dân địa phương khai báo với tổ tuần tra.

Ba người dân địa phương sau đó được các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng phát khẩu trang, xịt nước rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, phát tời rơi tuyên truyền về việc không vi phạm quy chế biên giới và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đó là những công việc thầm lặng hàng ngày của những chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tại các chốt kiểm soát và chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia.

Chiến sỹ Lê Danh Quân chia sẻ khi dịch COVID-19 bùng phát, bản thân tôi được đơn vị giao nhiệm vụ cùng các chiến sỹ khác đóng lán trại tại chốt số 4, khu vực cột mốc số 66 biên giới Việt Nam-Campuchia để tuần tra, kiểm soát phòng chống người dân nhập cảnh trái phép. Công việc của anh em chiến sĩ nơi đây là kiểm soát khu vực tuyến biên giới, đặc biệt là tình trạng người dân nhập cảnh trái phép.

[Dịch COVID-19: Kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở tuyến biên giới]

Thiếu tá Ngô Ngọc Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lộc An (Bộ đội Biên phòng Bình Phước), cho biết sau khi dịch COVID-19 bùng phát, đơn vị được giao nhiệm vụ thành lập 6 chốt và 1 tổ cơ động để tuần tra kiểm soát hơn 22km biên giới giáp ranh với nước bạn. Nhiệm vụ của các chốt kiểm soát và ngăn chặn tình trạng vi phạm quy chế biên giới và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Tại khu vực chốt số 4, tổ tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và tạm giữ 13 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước đưa đi cách ly theo quy định,” Thiếu tá Tuấn cho biết.

Dưới tán rừng thuộc địa phận xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, một lán nhỏ, sơ sài được các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng dựng lên.

Tại đây, Đồn biên phòng Lộc An luôn luôn duy trì quân số 3-5 chiến sỹ thay phiên nhau trực cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đặc biệt trên các đường mòn lối mở và tuyến sông giáp ranh biên giới.

“Địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa, côn trùng phát triển, nước trên cao đổ xuống gây ngập tại những vùng trũng. Tuy nhiên, anh em chiến sĩ trong tổ luôn động viên nhau, chắc tay súng để bảo vệ biên cương và phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi luôn xem lán là nhà, rừng là đơn vị, biên thùy là Tổ quốc,” thiếu úy Quân cười tươi cho biết.

Người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly

Thiếu tá Đoàn Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước), cho biết thời gian qua Đồn luôn kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại cửa khẩu; phối hợp với các đơn vị như hải quan, kiểm dịch y tế thực hiện các quy trình kiểm soát. Trong đó, đối với cửa nhập cảnh, luôn thực hiện quy trình: kiểm dịch-biên phòng-hải quan nhằm kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu.

Khi người và phương tiện qua khu vực cửa khẩu biên giới đều bắt buộc đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, khai báo y tế, sàng lọc đối tượng và đưa đi cách ly theo quy định.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Đồn Biên phòng và các đơn vị tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã thực hiện thủ tục nhập cảnh cho gần 700 người và đưa đi cách ly y tế theo quy định.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, đơn vị thực hiện chủ trương là thay đổi đầu kéo; nghĩa là khi hàng hóa xuất khẩu, khi qua cửa khẩu thì thùng hàng container được để lại, sau đó đầu kéo và tài xế quay trở về Việt Nam.

Đơn vị vận chuyển sẽ dùng đầu kéo từ nước bạn để vận chuyển hàng qua biên giới.

“Với cách làm này, vừa tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông qua biên giới vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch,” Thiếu tá Đoàn Trọng Nghĩa cho biết.

Ngoài tổ chức kiểm soát tại cửa khẩu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư còn phối hợp với lực lượng công an và dân quân địa phương tổ chức 8 chốt cố định và 1 tổ cơ động tại các đường mòn lối mở để kiểm soát tình trạng nhập cảnh trái phép trên dọc tuyến biên giới.

Trong số đó, các chốt kiểm soát đã phát hiện và ngăn chặn 50 trường hợp người dân nhập cảnh trái phép, sau đó tiến hành các thủ tục hành chính và bàn giao, đưa đi cách ly y tế theo quy định.

Bác sỹ Trần Xuân Dũng, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, cho biết thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, tất cả các phương tiện, hàng hóa và con người khi qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đều được đơn vị kiểm dịch kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Người dân khi nhập cảnh phải đeo khẩu trang, phun sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, điều tra dịch tễ sau đó đưa đi cách ly y tế theo quy định. Đến nay, tại Bình Phước chưa có trường hợp mắc COVID-19.

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài 260km tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc nước bạn. Hiện Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu và 1 lối mở.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, đơn vị hiện duy trì 62 chốt biên phòng cố định và 11 chốt cơ động hoạt động 24/24 giờ tại các đường mòn, lối mở trên dọc tuyến biên giới.

Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng đôi chân của những chiến sỹ mang quân hàm xanh vẫn ngày đêm bám chốt, không lơ là, mất cảnh giác, canh giữ bình yên cho quê hương, như lời bài hát “Hành khúc chiến sỹ biên phòng” vẫn vang lên trên non xanh quê hương:

“Non xanh.... Non xanh nước biếc trùng trùng.

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục