Đằng sau những dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong thời gian qua là các hoạt động ráo riết và thậm chí rất trắng trợn của các đường dây buôn người.
Các nhóm buôn người ở Bắc Phi và Trung Đông đã cấu kết chặt chẽ với các đường dây chuyển người sau khi đoàn người nhập cư đặt chân lên đất châu Âu để chúng tiếp tục đưa họ tới những nước khác theo yêu cầu. Và một trong những cách hiệu quả nhất và cũng an toàn nhất cho chúng là thông qua mạng xã hội Facebook, các ứng dụng liên lạc WhatsApp và Viber.
Nhật báo Corriere della Sera của Italy đã vạch trần thủ đoạn của các đường dây này thông qua hình thức các trang Facebook quảng cáo du lịch bằng tiếng Arab, với các tên gọi như Du lịch Địa Trung Hải, Du lịch từ Libya tới Italy, Du lịch từ Libya tới các nước trên thế giới hay Du lịch tới Liên minh châu Âu.
Những trang này có nhiệm vụ quảng cáo các gói du lịch với điểm xuất phát là Libya và điểm đến là Italy và các nước trong EU, với những thông điệp hết sức hấp dẫn, chẳng hạn "chúng tôi có mức giá thấp nhất," "chúng tôi đảm bảo chất lượng tuyệt đối" hay "chúng tôi sẵn sàng đưa bạn đến bất cứ nơi nào bạn muốn." Điều kiện duy nhất để đảm bảo cho chuyến đi có thể thực hiện được là người muốn đến châu Âu phải liên lạc với các "công ty" đó thông qua Facebook hoặc trực tiếp liên hệ tới một số WhatsApp có avatar là một chiếc tàu màu xanh, với các sọc màu trắng, đỏ và đen.
Không ai biết họ đang liên lạc với ai và có rơi vào một cái bẫy lừa tiền nào không, nhưng nỗi sợ hãi trước chiến tranh và cái chết, sự nghèo đói ở Syria, Afghanistan, Iraq và các nước thuộc vùng Sừng Châu Phi đã đẩy hàng vạn người trong thời gian này tìm đến bọn buôn người thông qua các trang Facebook ấy.
Tiền được chuyển trước qua dịch vụ chuyển tiền, và rồi người ta phải chờ đợi. Thời gian chờ đợi thường từ một đến hai tuần, có thể lâu hơn thế, và rồi một tin nhắn gửi đến cho người nhập cư có "nhu cầu" vượt biển hoặc đất liền tới châu Âu thông qua WhatsApp, thông báo thời gian và địa điểm xuất phát của chuyến tàu. Giá tiền cho các "dịch vụ" rất đa dạng, phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường và thường không rẻ, nhất là đối với các nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh và đối diện với một tương lai đầy bất trắc.
Nếu ai đó muốn xuất phát bằng thuyền hoặc tàu biển từ Tunisia, qua Libya để tới Italy, số tiền phải trả là 1.500 USD; nếu từ Sudan, con số cao hơn, chừng 2.000 USD và từ Syria, để tới Italy, số tiền bỏ ra từ 3.500-4.000 USD. Trẻ em từ sơ sinh đến 10 tuổi phải trả 500 USD/người, trong khi thanh thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi phải trả 700 USD. Đối với những ai muốn chọn một phương tiện an toàn hơn để tránh những cái chết trên biển như đã xảy ra với gần 3.000 người kể từ đầu năm trong các tai nạn, giá sẽ còn cao hơn nữa.
Các dịch vụ yêu cầu bất cứ người Syria nào muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tới Đức hoặc các nước Scandinavia bằng máy bay phải trả ít nhất 6.000 USD (trẻ em trả một nửa số tiền này). Những ai đi bằng đường bộ để tới vào Slovenia, Serbia hay Hungary, từ đó di chuyển sang các nước khối EU, phải trả ít nhất 7.500 USD tiền visa.
Những người nhập cư sẽ được đưa lên những con thuyền, tàu, thậm chí xuồng cao su cũ nát, tóm lại tất cả những gì có thể di chuyển được trên biển. Sau đó, điều gì sẽ xảy ra, các con thuyền sẽ cập bến an toàn, hoặc sẽ bị lật và chìm dưới biển sâu như rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trong những tháng qua, và trong hành trình, đã xảy ra nhiều vụ rất thương tâm, như chuyện một em bé người Ai Cập bị tiểu đường đã chết trong chuyến đi do bọn buôn người ném túi insuline xuống biển, bọn buôn người không thèm quan tâm.
Một thông điệp trên một trang Facebook "dịch vụ du lịch" sau khi một con thuyền chở 500 người nhập cư được tàu của lực lượng cứu hộ Italy cứu: "Nhờ có Allah mà hôm qua một con tàu của chúng ta đã được cứu trên biển. Toàn bộ người nhập cư đã lên bờ an toàn" (!).
Libya và Thổ Nhĩ Kỳ, những điểm gần châu Âu nhất về mặt địa lý, được các nhóm buôn người sử dụng làm các điểm tập trung người nhập cư để rồi từ đó sang châu Âu bằng đường biển (Libya và Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc đường không (Thổ Nhĩ Kỳ), trong một hệ thống buôn người chằng chịt và hiệu quả có "doanh thu" lên tới hàng tỷ USD và ngày càng phát đạt do chiến tranh lan rộng ở Syria và Iraq, trong khi Libya vô cùng bất ổn. Khả năng thành công của các phi vụ là thế nào? 70%, một "công ty du lịch" công bố trên Facebook. "Không thể là 100% được," một thông điệp được đưa ra trên Facebook của họ. "Để thành công, phải nhờ đến Allah."
Tuy nhiên, những ai có nhiều tiền hơn có thể có cách nhanh hơn để thoát khỏi đất nước của họ sang miền đất hứa châu Âu. Các "công ty du lịch" thậm chí còn khuyến mãi gói dịch vụ trở thành công dân Pháp hoặc Thụy Điển, với giá từ 60.000-75.000 USD. Chỉ cần liên lạc với những ai "quen biết" các nhân viên sứ quán, lãnh sự quán hoặc các tổ chức làm giấy tờ giả là xong.
Theo Corriere della Sera, Ahmad Azoo, một người Syria đã từ nhiều tháng nay ở Istanbul, có thể lo liệu việc này cho người nhập cư có nhiều tiền. Một người lính Iraq có tên Jamal Kanani và bốn nguời bạn của anh ta đã trả một khoản tiền khổng lồ cho Azoo để sang châu Âu. Thông qua một "công ty du lịch," họ đã từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới đảo Lesbos của Hy Lạp. Sau đó, hôm 20/8 vừa qua, họ được đưa lên một máy bay của hãng Mytilene International để tới Athens. Tám ngày sau, họ được "công ty du lịch" đưa đến Serbia. Đích đến cuối cùng của họ trong tháng Chín này là nước Áo./.