5 mặt hàng tiêu biểu của Việt Nam được lựa chọn tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2019 diễn ra từ ngày 18-22/9 gồm: bún, phở (bún, bún gạo ăn liền, phở); đồ uống (trà, cà phê, nước khoáng); đồ ăn nhẹ (hạt điều, macadamia, đồ ăn nhẹ trái cây, chocolate, mật ong); gia vị (tiêu, muối, tương ớt, xì dầu); trái cây tươi.
Đây là những sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan yêu thích, đánh giá cao.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải với các cán bộ chủ chốt của tập đoàn Central Group Việt Nam, ngày 6/8, tại Hà Nội.
[Khai mạc Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan 2018]
Theo bà Jariya Chiathivat, đại diện của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tại Việt Nam, chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2019 sẽ không dừng lại ở việc quảng bá hàng hóa mà còn đẩy mạnh hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, do đó, trong Chương trình sẽ có những hoạt động văn hóa, truyền thống, quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Bà Jariya Chiathivat nhấn mạnh, với chương trình này, Central Group muốn thay đổi, cải tiến theo từng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của tuần hàng, tập đoàn sẽ phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức 2 hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về kinh doanh để các nhà cung cấp Việt Nam nắm được những tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan thuận lợi.
Đại diện Tập đoàn Central Group cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, do có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại hệ thống phân phối tại Việt Nam, Central Group đã thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, gây xôn xao dư luận.
Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc ngày 4/7/2019 với Lãnh đạo Bộ Công Thương, việc thay đổi chiến lược này nhằm phục vụ tốt hơn thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu...
Cũng tại buổi làm việc ngày 4/7, phía Central Group và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Đến nay, sau một thời gian xem xét năng lực của 200 nhà cung ứng dệt may Việt Nam, Central Group đã mở lại mã hàng và tiếp tục có đơn đặt mua hàng của 169 nhà cung ứng hàng dệt may (31 nhà cung ứng còn lại đã chủ động dừng cung cấp hàng cho Central Group từ đầu năm 2019).
Đồng thời, Central Group cũng thông báo, hiện có 8 trong tổng số 169 nhà cung ứng nêu trên đã hết thời hạn thực hiện Hợp đồng trước đây và đang đàm phán với Central Group để ký kết lại Hợp đồng mới.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, Central Group Việt Nam hiện đang có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, phối hợp rất hiệu quả với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc tổ chức các chương trình tiêu thụ nông sản Việt Nam cũng như chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan những năm trước và năm nay lại tiếp tục được triển khai.
Thứ trưởng đề nghị, Central Group không chỉ dừng lại ở việc ký kết với Hiệp hội Dệt may Việt Nam mà nên có sự phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng khác để sự hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực khác ngày càng hiệu quả, tránh những sự cố không mong muốn xảy ra.
“Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài cũng như Central Group kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.