“Năm 2020 gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19. Ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần 'chống dịch như chống giặc,' chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế và đặc biệt đánh giá cao trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực…”
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 được tổ chức mới đây.
Nỗ lực tiếp sức nền kinh tế
Ngay từ tháng 3/2020, thế giới chứng kiến những biến động lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam cũng không thể tránh khỏi đại dịch này. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập...
Đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi chịu ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là trong công tác điều hành chính sách tiền tệ... Trong bối cảnh đó, với phương châm tập trung thực hiện“mục tiêu kép” của Chính phủ, xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất sớm khi đại dịch mới xảy ra và đã chủ động ban hành văn bản quan trọng mang tính đột phá là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020. Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.
Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành một số văn bản quan trọng khác đã tháo gỡ không ít khó khăn cho khách hàng.
[Thủ tướng: Ngân hàng không để thiếu vốn cho các doanh nghiệp]
Tiếp đến, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1,5%/năm đối với khách hàng vay vốn mới và cả khách hàng hiện hữu song song với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch. Hơn 70.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 tại thời điểm đó.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất và từ đó phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi đến Công ty cổ phần Dệt May 29/3 (Hachiba) tại thành phố Đà Nẵng vào những ngày cuối năm 2020, không khí làm việc tại công ty như chưa hề có tác động của đại dịch COVID-19. Mặc dù đã gần đến giờ cơm chưa nhưng hơn 3.700 công nhân vẫn miệt mài làm việc.
Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Hachiba cho biết, để có được không khí như hôm nay, ban lãnh đạo công ty đã phải linh hoạt trong hoạt động kinh doanh bằng việc nhận gia công sản phẩm phục vụ y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn cung cấp cho thị trường Mỹ và Pháp nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh cũng như duy trì lực lượng lao động.
Bà Nguyệt nhớ lại, năm 2020 là một năm chất chồng khó khăn đối với Hachiba. Đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến công ty bị mất 60% nguồn nguyên phụ liệu, sản xuất của công ty ngưng trệ gần 2 tuần. Sau đó đến giữa tháng 3/2020, khi tình hình dịch bệnh lan ra toàn thế giới trong đó có hai thị trường chính của công ty là châu Âu và Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh đặt biệt là hàng Veston.
Trong khi đó tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 16 thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu giảm mạnh, trong tháng 4/2020 chỉ đạt 17 tỷ đồng trong khi bình quân các năm hằng tháng đạt 90 tỷ đồng, giảm 82%.
Mặc dù đến nay mặt hàng veston vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc so với những năm trước đó nhưng đây cũng là dấu hiệu tốt khi sản lượng đạt khoảng 600.000 bộ veston từ giữa năm 2020 đến nay. Ngoài ra, hiện công ty vẫn đang sản xuất đều các mặt hàng như đồ bảo hộ y tế chuẩn khuẩn, đồng phục cảnh sát, quẩn áo thể thao xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ. Chính vì vậy thu nhập của người lao động không bị giảm nhưng thưởng thì không thể bằng mọi năm.
Cũng theo bà Nguyệt, có được kết quả này là do trong thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đặc biệt, VietinBank chi nhánh Đà Nẵng đã đi đầu trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh với thời gian tốt nhất. Hỗ trợ giảm lãi suất cho công ty từ 3,5%/năm xuống còn 3,2%/năm đối với USD, đảm bảo duy trì mặt bằng tốt nhất trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng thời tạo điều kiện cho Hachiba tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn với chi phí hợp lý nhất để công ty đầu tư mới các chuyền may.
Thừa Thiên Huế là một tỉnh bị ảnh hưởng “kép” cả đại dịch COVID-19 và bão lũ khiến cho nhiều doanh nghiệp nơi đây lao đao.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện Huế có khoảng 7.000 doanh nghiệp và trong số này nhiều doanh nghiệp đã được các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong năm qua. Trong đó, VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngân hàng còn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong vay vốn, nhằm phát triển các dự án quan trọng như giao thông, thủy lợi, đầu tư các khu công nghiệp.
Điển hình là công trình Thủy điện Rào Trăng 3 của Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 dự kiến đi vào vận hành tháng 10/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và bão, lũ kéo dài dẫn đến sạt lở nên tất cả đã phải dừng lại. Việc kéo dài thời gian đưa vào hoạt động đã làm chi phí đầu tư của dự án tăng lên 44.162 triệu đồng so với dự toán được duyệt ban đầu.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, VietinBank Chi nhánh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện cho vay theo tỷ lệ 70:30 đối với tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. Giảm lãi suất vay cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh. Số tiền hỗ trợ doanh nghiệp từ việc giảm lãi vay là 6 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn kéo dài thời gian giải ngân khoản vay đến 31/12/2021 và kéo dài thời gian ân hạn là 36 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên, để công ty có thời gian sắp xếp nguồn vốn, ổn định nhân sự.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn doanh nghiệp đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất (từ 1%-1,5%) nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Ngành ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 6.500 khách hàng bị thiệt hại bởi hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên với dư nợ trên 2.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho hơn 31.000 khách hàng với dư nợ gần 32.000 tỷ đồng; cho vay mới hơn 41.000 khách hàng với dư nợ trên 9.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã từng phải thốt lên, năm 2020 là một năm khó khăn trong nhất trong lịch sử ngành ngân hàng khi vừa phải ứng phó với đại dịch COVID, lại vừa phải “chống chọi” với cơn cuồng phong của bão lũ đến với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, nhờ sự sát cánh của các tổ chức tín dụng cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp nên tăng trưởng tín dụng ở những tháng cuối năm đã có sự cải thiện rõ rệt. Dù không được như những năm trước nhưng trong bối cảnh khó khăn như vậy mà tăng trưởng tín dụng đạt con số 11% thì đây cũng được coi là sự thắng lợi của toàn ngành.
Trong ‘nguy’ có ‘cơ’
Dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đến đời sống người dân nhưng các chuyên gia vẫn nhận định rằng, dịch COVID-19 chính là chất xúc tác góp phần khiến người tiêu dùng nhận ra những lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Nếu trước kia, thanh toán online được mặc định chỉ dành cho giới trẻ thì sau giai đoạn giãn cách xã hội, lượng giao dịch online được ghi nhận có sự tăng vọt ở nhiều nhóm khách hàng.
Mặt khác, nếu trước kia, mua sắm online chủ yếu được đánh mạnh vào nhóm sản phẩm là quần áo, đồ gia dụng thì nay các mặt hàng “tươi sống” cũng có thể được ship tận tay người dùng chỉ bằng vài cú click. Bởi các “đại gia” trong ngành bán lẻ đang không ngừng đưa ra nhiều tiện ích thông minh, trải nghiệm mua sắm 4.0 đến người tiêu dùng đặc biệt trong giai đoạn dịch vừa qua và thời điểm dịch bùng phát lại hiện nay.
Vì vậy, tính đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2020 chứng kiến nhiều tổ chức tín dụng chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng. Đây là điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn trong năm 2021./.