Bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm năm 2011

Theo báo cáo "Tình hình, triển vọng kinh tế thế giới 2011" của Liên hợp quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ đạt 3%.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011" mà cơ quan đa phương này vừa công bố cho hay tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu năm 2011 dự kiến chỉ đạt 3% chủ yếu do tình trạng thiếu việc làm và những rủi ro nghiêm trọng vẫn còn tồn tại.

Sang năm 2012, mức tăng trưởng này có thể đạt 3,5%.

Báo cáo cho biết trong số các nền kinh tế phát triển, kinh tế Mỹ phục hồi yếu nhất sau khủng hoảng. Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ dự kiến giảm từ 2,6% năm 2010 xuống 2,2% năm 2011, sau đó mới tăng lên 2,8% năm 2012.

Tốc độ tăng trưởng đó sẽ không giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và chương trình khôi phục việc làm hậu khủng hoảng sẽ kéo dài ít nhất bốn năm nữa. Trong khi đó, GDP ở khu vực châu Âu chỉ đạt 1,3% năm 2011 và 1,9% năm 2012.

Tại Nhật Bản, ban đầu kinh tế phục hồi mạnh nhờ xuất khẩu tăng, nhưng bước sang năm 2010 phục hồi kinh tế của Nhật Bản bắt đầu chậm lại do tình trạng giảm phát kéo dài và nợ công leo thang. Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2011 đạt 1,1% và năm 2012 đạt 1,4%.

Trong số các nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp, GDP trung bình của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Gruzia đạt khoảng 4% năm 2010 và có xu hướng giảm trong hai năm tiếp theo.

Các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục là động lực thúc đẩy phục hồi toàn cầu, nhưng mức tăng trưởng của các nước này cũng sẽ giảm còn 6% trong năm 2011-2012, thấp hơn so với 7% trong năm nay, do mức tăng trưởng chậm lại ở các nước phát triển và giảm bớt các biện pháp kích cầu kinh tế.

Các nước đang phát triển tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhất nhưng cũng chỉ đạt khoảng 7% năm 2011-2012. Tăng trưởng khu vực Mỹ Latinh dự kiến giảm từ 5,6% năm 2010 xuống 4% năm 2011-2012.

Tại Trung Đông và các nước khác ở khu vực Tây Á, phục hồi kinh tế dự kiến giảm từ 5,5% năm 2010 xuống 4,7% năm 2011 và 4,4% năm 2012. Phục hồi kinh tế ở hầu hết các nước châu Phi đều vững chắc và đạt khoảng 5% năm 2011-2012.

Báo cáo cho biết từ năm 2007-2009, toàn thế giới mất ít nhất 30 triệu việc làm do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những nỗ lực khắc phục khó khăn tài chính của các chính phủ có thể hạn chế hơn nữa triển vọng khôi phục việc làm nhanh hơn.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, như tinh thần hợp tác giữa các nền kinh tế lớn còn hạn chế, từ đó làm giảm hiệu quả của các biện pháp chống khủng hoảng; các phản ứng tiền tệ không liên kết với nhau khiến thị trường tài chính bất ổn.

Để bảo đảm phục hồi kinh tế bền vững, Liên hợp quốc cũng đưa ra một số biện pháp như cung cấp các khoản kích thích tài chính bổ sung, xây dựng lại chính sách kích cầu cũng như các chính sách kinh tế khác theo hướng cung cấp các khoản cho vay nhiều hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng việc làm, giảm thu nhập bất công và tăng năng suất bền vững, phối hợp hơn nữa giữa kích cầu tài chính và tiền tệ, vô hiệu hóa những tác động quốc tế bất lợi như căng thẳng tiền tệ hay nguồn vốn ngắn hạn không ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục