Brunei hối thúc ASEAN đẩy mạnh hợp tác về vaccine và sức khỏe tâm thần

Brunei kêu gọi ASEAN đẩy nhanh nỗ lực nhằm đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng nhằm đảm bảo phúc lợi cho mọi người dân ASEAN.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 3/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 3/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Mohd Yusof kêu gọi tất cả các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng cường hợp tác trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo & Đối tác ASEAN năm 2021 được tổ chức ngày 7/10 với chủ đề “Xây dựng lại ASEAN hướng tới phục hồi bền vững” do Viện nghiên cứu chiến lược KSI khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Câu lạc bộ Kinh tế Kuala Lumpur đồng tổ chức, Bộ trưởng Erywan, cũng là Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar, cho biết điều này sẽ góp phần hướng tới các biện pháp xây dựng cộng đồng nhằm đảm bảo rằng phúc lợi của người dân ASEAN được bảo vệ cả về thể chất và tinh thần.

Mặc dù rất yên tâm khi thấy nhiều quốc gia trong khu vực thực hiện các chương trình tiêm chủng quốc gia, nhưng theo Bộ trưởng vẫn có nhiều nước vẫn chưa thu được những lợi ích tương tự.

Do đó, việc đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người một cách kịp thời là điều rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Erywan, việc tiêm phòng cho toàn bộ dân số là cửa ngõ để có thể mở cửa nền kinh tế và kết nối khu vực bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho việc di chuyển thiết yếu của người dân, bao gồm cả đi công tác và du lịch.

[Bỉ chuẩn bị một dự luật đề xuất COVID-19 là bệnh nghề nghiệp]

Tuy nhiên, điều ít được nhìn thấy hơn, nhưng không kém phần quan trọng là thực tế đại dịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của mọi người, trong đó có cả thanh niên và trẻ em.

Bộ trưởng Erywan nhấn mạnh: "Chúng ta phải sớm hành động để giải quyết vấn đề này vì chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần lớn hơn nhiều so với đại dịch này trong thời gian từ 10 đến 15 năm."

Vì vậy, ASEAN mong muốn thông qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hội nghị cấp cao Đông Á về hợp tác sức khỏe tâm thần tại Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới, việc đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của người dân là điều cần thiết trong xác định con đường phục hồi kinh tế bền vững.

Tại diễn đàn còn có các bài phát biểu của nhiều quan chức khác như Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Datuk Seri Nancy Shukri; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana; và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục