Với những thay đổi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ mang lại cho khu vực, các chuyên gia tin rằng sự chuẩn bị là hết sức quan trọng và thời gian là điều cốt yếu. Nắm vững tinh thần này, Brunei đã và đang đẩy mạnh cải cách để đón đầu những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.
Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu lửa và khí đốt, Brunei có một nền kinh tế vững mạnh và là một trong những nước giàu nhất ở châu Á. Tuy nhiên, về thương mại, Brunei là nước phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc và lương thực, thực phẩm.
Với một nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển chủ yếu dựa vào thương mại quốc tế, song thị trường nội địa nhỏ, sản xuất nông nghiệp không đáng kể, nên việc tham gia AEC được dự đoán sẽ mang lại cho Brunei nhiều lợi ích.
Tự do hóa thương mại và dịch vụ đi kèm với sự ra đời của AEC có thể giúp Brunei phát triển đa dạng các ngành kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống như dầu mỏ và khí đốt.
Bên cạnh đó, chính sách bầu trời mở ASEAN cho phép các hãng hàng không tự do vận chuyển hành khách và hàng hóa nội khối sẽ thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực, một trong những ngành tiềm năng của Brunei.
Ngành ngân hàng và tài chính cũng sẽ được hưởng lợi dưới chính sách tự do hóa dịch vụ tài chính của AEC. Brunei cũng sẽ có điều kiện tăng cường trao đổi giao lưu với ngành tài chính ngân hàng các nước nội khối để phát triển trở thành một trung tâm tài chính Hồi giáo trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quốc gia Hồi giáo này cũng cần phải vượt qua nhiều thách thức. Nền kinh tế Brunei vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài Nguyên Brunei, ngành dầu khí hiện đang chiếm gần 67% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đóng góp 96% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại sử dụng ít hơn 5% lực lượng lao động.
Ngoài ra, Brunei chưa có một điều luật quốc gia điều chỉnh các vấn đề cạnh tranh cũng như cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách chịu trách nhiệm về luật cạnh tranh quốc gia.
Để khắc phục những điểm yếu trên, kể từ năm 2011, Brunei đã bắt đầu quá trình soạn thảo Bộ Luật Cạnh tranh quốc gia. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ từ Văn phòng Thủ tướng cũng như nhiều các bộ, ngành.
Brunei đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn với các bên liên quan tại địa phương với sự hỗ trợ từ các chuyên gia khu vực và quốc tế để đảm bảo bộ luật được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các điều kiện kinh tế địa phương trong nước.
Hội nhập AEC, Brunei nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa nền kinh tế thay vì chỉ tập trung vào ngành công nghiệp dầu khí như hiện nay. Do vậy, Brunei đang nỗ lực thúc đẩy sự sáng tạo của các ngành công nghiệp cốt lõi mới và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch "Tầm nhìn 2035" của chính phủ Brunei là nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn bằng cách phát triển môi trường kinh tế ổn định trong nước.
Chính phủ Brunei tin rằng quốc gia này sẽ đạt được nhiều lợi ích từ việc hội nhập kinh tế sâu hơn vào nền kinh tế khu vực. Những thay đổi chính phủ Brunei đã ban hành, hoặc sẽ sớm thực hiện, bao gồm: cập nhật mức thuế để phù hợp với các quy định của AEC; bảo vệ đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn; ban hành Luật cạnh tranh quốc gia; tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các phương thức kinh doanh linh hoạt với chi phí hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Brunei cũng sẽ có các quy tắc và quy định minh bạch hơn dành cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như sẽ tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết các thủ tục về tranh chấp thương mại.
Các bước đi cải cách của Brunei bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Cụ thể, về thuế quan hàng hóa, liên quan đến Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) nêu trong Thỏa thuận về Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ thuế quan xuống 0-5% đối với mỗi quốc gia thành viên, hiện Brunei là một trong 6 nước đã thành công giảm mức thuế suất CEPT xuống gần bằng 0%.
Nhờ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), năm 2014, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước ASEAN vào Brunei đạt mức kỷ lục 141 triệu USD, tăng hơn 20% so với năm 2013 và vượt ước tính ban đầu là 136 triệu USD.
Năm 2009, tăng trưởng GDP của Brunei ở mức âm 1,8%, tuy nhiên, đến năm 2010 và 2011, mức tăng trưởng GDP lần lượt là 2,55% và 2,97%. Năm 2014, GDP tăng trưởng 5,3%, tỷ lệ thất nghiệp 2,7% và tỷ lệ lạm phát là -0,2%.
Trong thời gian tới, để tiếp nối các nỗ lực trên, giới chuyên gia cho rằng Brunei cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và khung pháp lý. Bên cạnh đó, Brunei cần đảm bảo một lực lượng lao động địa phương tay nghề cao có khả năng cạnh tranh khi AEC chính thức được thực thi vào năm 2016.
Nếu không, thị trường việc làm của Brunei nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao khi làn sóng lao động từ các nước ASEAN đổ bộ vào thị trường việc làm của quốc gia này./.