BRICS trước phép thử trong ứng phó với thách thức toàn cầu quan trọng

Với sự hợp tác không mấy mặn nồng về vaccine ngừa COVID-19, BRICS đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để chứng tỏ khả năng đưa ra phản ứng tập thể mạnh mẽ đối với một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang polity.org.za ngày 23/8 đăng bài viết của Luanda Mpungose, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi, nhận định đại dịch COVID-19 là "phép thử" sức mạnh tập thể của các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Điều này cho thấy thể chế này đã bộc lộ những hạn chế cốt lõi, dẫn đến nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tăng cường vận động cải cách quản trị quốc tế và gây nghi ngờ về khả năng phù hợp của BRICS trong ứng phó với những thách thức toàn cầu quan trọng.

Theo bài viết, BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hợp tác trong một số lĩnh vực và nổi lên như một tiếng nói mạnh mẽ trong cải cách quản trị toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự hợp tác không mấy mặn nồng về vaccine ngừa COVID-19, khối này đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để chứng tỏ khả năng đưa ra phản ứng tập thể mạnh mẽ đối với một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến BRICS. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong nhóm (đứng thứ hai thế giới sau Mỹ) với 32,2 triệu người (tính đến ngày 23/8), tiếp theo là Brazil (20,3 triệu trường hợp), Nga (6,6 triệu), Nam Phi (2,6 triệu) và Trung Quốc - nơi bắt nguồn của đại dịch - ít hơn 100.000 ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại 5 quốc gia này vào khoảng 1,25 triệu người, trong đó Brazil và Ấn Độ chiếm 80%.

Sự thiệt hại nặng nề này - và thực tế là các nước giàu có thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã mua hơn 1/3 nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của thế giới, mặc dù chỉ chiếm 13% dân số toàn cầu - chắc chắn phải tạo động lực cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nước BRICS.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo trực tuyến gần đây do Trung tâm Chính sách BRICS tổ chức, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế Vishwas Satgar (Đại học Witwatersrand, Nam Phi) cho rằng BRICS “đã thể hiện sự khác biệt, không nhất quán và thiếu hợp tác trong việc tiêm chủng COVID-19.”

[Các nước BRICS kêu gọi phân phối vaccine COVID-19 công bằng]

Các nước BRICS không lạ lẫm với cái gọi là “ngoại giao vaccine” hoặc nỗ lực tăng cường quan hệ thông qua hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về vaccine.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS năm 2018, Chính phủ Nam Phi đã đề xuất thành lập một Trung tâm Nghiên cứu vaccine chung - ý tưởng đã trở thành một phần của Tuyên bố Johannesburg (2018) của BRICS.

Mặc dù ý tưởng về trung tâm này vẫn chưa được hiện thực hóa, song đã có những hy vọng rằng BRICS sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc phát triển và phân phối vaccine COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả một số vaccine do chính các nước BRICS phát triển cũng nhận được sự đón nhận khác nhau trong khối.

Tháng 8/2020, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 và ba tháng sau, nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm BRICS công bố vaccine hiệu quả cao Sputnik V - mức hiệu quả được công bố là 92% đối với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ trích sự chóng vánh trong các thử nghiệm với Sputnik V và sự thiếu minh bạch về dữ liệu thô – dữ liệu mới nhất đến ngày 19/8/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa phê duyệt vaccine này.

Trong số các quốc gia BRICS khác, Cơ quan Quản lý Y tế Brazil ban đầu đã ngăn cản Sputnik V khi phản hồi với dữ liệu về các tác dụng phụ bất lợi của loại vaccine này.

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng này của Brazil đã đảo ngược quyết định trên vào tháng 6/2021 và cho phép nhập khẩu 928.000 liều Sputnik V. Ấn Độ đã nhận được 125 triệu liều vaccine Sputnik V vào tháng 5/2021.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) chưa cấp phép sử dụng Sputnik V và đang chờ thêm dữ liệu từ Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga - tổ chức đã phát triển loại vaccine này. Mặc dù SAHPRA đang chịu áp lực ngày càng tăng từ đảng Các chiến sĩ vì tự do kinh tế (thiên tả) trong việc phê duyệt vaccine COVID-19 “không phải của phương Tây,” cơ quan này vẫn kiên định với cách tiếp cận dựa trên khoa học mà không bị ảnh hưởng hoặc chịu áp lực chính trị.

Ngược lại, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc lần lượt vào tháng 5 và tháng 6/2021. Brazil đã tham gia thử nghiệm Sinovac và sau khi có kết quả khả quan, nước này đã tiếp tục sử dụng loại vaccine này.

Mặc dù tháng 6/2021, Tổng kiểm soát dược phẩm của Ấn Độ đã thông báo rằng những vaccine COVID-19 được WHO phê duyệt sẽ không cần các thử nghiệm bắc cầu sau phê duyệt và thử nghiệm hàng loạt ở Ấn Độ, nhưng vẫn chưa rõ liệu nước này có đưa vaccine Sinovac và Sinopharm vào chương trình tiêm chủng hay không.

Tương tự như vậy, Nam Phi đã “bật đèn xanh” cho phép sử dụng vaccine Sinovac vào tháng 7/2021, dù nước này vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch mua sắm nào đối với loại vaccine này.

Tiếp theo, cần xem xét việc sản xuất vaccine. Ấn Độ chiếm 50% nguồn cung cấp vaccine toàn cầu và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - đã làm việc với Tập đoàn vaccine Oxford để sản xuất Covishield, một phiên bản địa phương của vaccine AstraZeneca-Oxford.

Nhưng bất chấp khả năng sản xuất vaccine trong nước, Ấn Độ mới chỉ tiêm vaccine đầy đủ cho 8,8% dân số và 22% đã tiêm một liều.

Tương tự, công ty Biovac có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech vào năm 2022 để phân phối ở châu Phi. Hiện tại, chỉ có 6,9% người dân Nam Phi được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và 5,6% đã được tiêm một liều. Biovac sẽ trở thành một “cơ sở hoàn thiện” trước khi vaccine được chuyển đến các địa điểm đến dự kiến.

Các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ và Nam Phi đã ký kết các thỏa thuận tập trung vào công nghệ với các đối tác phương Tây, nhưng không sở hữu bất kỳ bằng sáng chế nào liên quan đến vaccine ngừa COVID-19.

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, ngay cả trước khi ký kết các thỏa thuận trên, chính phủ hai nước Ấn Độ và Nam Phi đã thúc đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 10/2020 tạm thời xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với công nghệ và vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, ngoại trưởng các nước BRICS đã không có chung tiếng nói ủng hộ đề xuất này cho đến tháng 6/2021, tám tháng sau khi đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi lần đầu tiên được đệ trình lên WTO.

Trung Quốc và Nga trước đây vẫn giữ im lặng về vấn đề này và như Giáo sư Karin Costa Vazquez (chuyên gia về BRICS) đánh giá, Brazil là thành viên duy nhất của nhóm công khai phản đối ý tưởng này, trùng với quan điểm trực tiếp của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đầu năm 2021, Brazil thể hiện thái độ ủng hộ hơn đối với đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi, sau khi Ấn Độ cho biết nước này sẽ bắt đầu gửi vaccine ngừa COVID-19 tới các quốc gia đối tác chính và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ đề xuất về tạm thời xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.

Hiện tại, bên cạnh việc sản xuất vaccine COVID-19, Ấn Độ và Nam Phi cũng chú ý không để bị phân tâm trong việc theo đuổi đề xuất quan trọng tại WTO. Ngoài ra, các nước BRICS cần ưu tiên thành lập Trung tâm Nghiên cứu vaccine để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Liệu BRICS có thành công hay không trong các vấn đề trên vẫn còn phải tiếp tục quan sát. Đại dịch COVID-19 đã kiểm tra sức mạnh tập thể của các quốc gia BRICS và cho thấy thể chế này đã bộc lộ hạn chế cốt lõi.

Do đó, BRICS đã bỏ lỡ cơ hội tăng cường vận động cải cách quản trị quốc tế và gây nghi ngờ về khả năng phù hợp của khối đối với mục đích ứng phó với những thách thức toàn cầu quan trọng đang phát sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục